- Bất chấp số ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục, nhiều quốc gia khẳng định sẽ tiếp tục mở cửa
- Thế giới thắp sáng hy vọng mới đối phó với đại dịch Covid-19
Theo giới chuyên gia, mặc dù tỷ lệ lây nhiễm tăng cao nhưng tỷ lệ tử vong và nhập viện do nhiễm biến thể Omicron trên toàn cầu đang có xu hướng giảm, qua đó thắp lên tia hy vọng rằng, virus SARS-CoV-2 có thể tiến hóa thành một loại virus tương đối lành tính, gây bệnh theo mùa. Tuy nhiên, Văn phòng của WHO phụ trách khu vực châu Âu ngày 4-1 đã đưa ra cảnh báo rằng, tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt có thể sẽ dẫn tới sự xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn. “Khi Omicron càng lan rộng, biến thể này càng lây truyền nhiều hơn, được nhân bản nhiều hơn và qua đó gia tăng khả năng tạo ra một biến thể mới. Hiện Omicron có nguy cơ gây tử vong ít hơn so với biến thể Delta, song không ai dám chắc biến thể tiếp theo sẽ như thế nào”- bà Catherine Smallwood, quan chức cấp cao thuộc văn phòng trên cho biết.
Cùng ngày, WHO đã lên tiếng về biến thể của virus SARS-CoV-2, có tên gọi là IHU hay B.1.640.2, được phát hiện đầu tiên ở Pháp cuối năm 2021. Biến thể mới nói trên chính thức được ghi nhận xuất hiện đầu tiên ở Pháp tháng trước, sau khi các bệnh nhân vùng Marseilles miền Nam nước Pháp bắt đầu có triệu chứng bệnh hồi tháng 11. Ít nhất 12 trường hợp nhiễm biến thể IHU được cho là liên quan đến việc đi tới quốc gia châu Phi Cameroon. Các trường hợp này được xác nhận sau khi được các nhà nghiên cứu thuộc Viện Bệnh viện Đại học truyền nhiễm Địa Trung Hải (IHU) phát hiện.
Tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt có thể sẽ dẫn tới sự xuất hiện các biến thể Covid-19 mới |
Biến thể IHU có 46 đột biến, khiến giới chuyên gia quan ngại có thể kháng các loại vaccine hiện nay, cho dù biến thể này dường như không có khả năng lây lan nhanh, đặc biệt khi so sánh với biến thể Omicron xuất hiện cùng khoảng thời gian nhưng nay đã lây lan ra toàn cầu. Thông tin về biến thể IHU bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 2021, nhưng mới được đăng tải nổi bật trên các mặt báo quốc tế trong tuần này, sau khi thu hút sự chú ý của giới chuyên gia bên ngoài nước Pháp sau bài báo đăng hôm 29-12.
Ngày 4-1, phát biểu với báo giới về biến thể IHU, ông Abdi Mahamud, một quan chức thuộc Nhóm hỗ trợ quản lý tình hình Covid-19 của WHO, nêu rõ WHO đã lưu ý tới IHU. Theo quan chức này, một tín hiệu tích cực là biến thể này đã không lây lan nhanh. Hiện WHO đang đánh giá IHU và sẽ chỉ xác định đây là “biến thể đáng lo ngại” (VOC) nếu nhận thấy biến thể gây nguy cơ nghiêm trọng.
Giới chuyên gia quốc tế cũng cân nhắc hạ thấp nguy cơ do IHU gây ra, trong đó nhiều chuyên gia cho rằng Omicron đã áp đảo IHU. Theo tiến sỹ Tom Peacock, nhà virus học thuộc Đại học Hoàng gia London, thực tế IHU xuất hiện trước Omicron, song ở thời điểm hiện tại biến thể mới này “không đáng lo ngại quá nhiều”. Nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp cho thấy IHU mang đột biến N501Y - được ghi nhận đầu tiên ở biến thể Alpha và các chuyên gia y tế cho rằng đột biến này có thể khiến biến thể dễ lây lan hơn.
Bên cạnh đó, IHU còn mang đột biến E484K, có nghĩa là có thể kháng vaccine cao hơn. Tổng cộng IHU có 46 đột biến và 37 đột biến mất đoạn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là một minh chứng nữa cho thấy không thể dự đoán trước sự xuất hiện của các biến thể cũng như khả năng lây nhiễm của các biến thể từ nước ngoài.
Ca nhiễm IHU đầu tiên ở Pháp là một người đàn ông đã tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa Covid-19, trở về từ Cameroon vào tháng 11 vừa qua.