Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhưng chi ngân sách Nhà nước cho công tác an sinh xã hội ước tăng khoảng 20%. Dư nợ tín dụng ưu đãi thực hiện chính sách xã hội tăng khoảng 1% so với năm 2010. Nợ công được giữ ở mức an toàn, cuối năm 2011 ước khoảng 54,6% GDP. An ninh lương thực và an ninh năng lượng đã bảo đảm. Dự trữ xăng dầu trước đây là 7 ngày, nay tăng lên 40 ngày.
Thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mặc dù nhận định “những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô những tháng đầu năm, bước đầu đã chuyển biến theo hướng tích cực”, song ông cũng bày tỏ sự lo lắng khi kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, đồng tiền Việt Nam mất giá mạnh trong khi hầu hết các đồng tiền khác đều lên giá so với USD; dư nợ tín dụng tăng nhanh, thâm hụt thương mại, nhập siêu kéo dài, bội chi ngân sách trong nhiều năm ở mức cao. Nợ công đã đến ngưỡng an toàn trong khi hiệu quả đầu tư công thấp, đặt ra những lo ngại về quản lý và trả nợ trong trung hạn và dài hạn.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhấn mạnh, các bất ổn kinh tế vĩ mô diễn ra không hẳn là do tác động khách quan mà chủ yếu có căn nguyên từ nội tại của cơ cấu nền kinh tế. Nó có thể tái diễn bất cứ lúc nào nếu thiếu một quyết tâm chính trị cao để giải quyết tận gốc vấn đề. Mặt khác, cần thống nhất rằng, để giải quyết căn cơ các vấn đề của nền kinh tế hiện nay thì không thể làm trong một sớm một chiều.
Trong năm 2012, về cơ bản vẫn phải duy trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội với sự điều chỉnh linh hoạt hơn hai nhóm giải pháp về tiền tệ và tài khóa như đã xác định trong Nghị quyết 11 của Chính phủ. Năm 2012 cũng như năm 2011 không nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao (khoảng 6-6,5%) là ưu tiên, mà vẫn còn xác định ưu tiên số một là giảm CPI xuống dưới một con số (khoảng 9%).
Một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, với cách chi ngân sách như hiện nay thì tình trạng “chạy” ngân sách còn kéo dài và “liều thuốc” cắt giảm đầu tư công, không những không có tác dụng mà còn gây ra phản ứng phụ vào năm 2012. Một ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lo ngại nhất là sự chưa minh bạch trong chi tiêu vốn ngân sách, cách phân bổ ngân sách chủ yếu dựa trên cơ chế xin - cho. Đáng lý ra phải thực hiện nghĩa vụ chi ngân sách theo cơ chế phân cấp trách nhiệm, nhưng cách làm hiện nay, nói nôm na là Trung ương cấp tiền chứ không cấp theo nhiệm vụ. Cách phân bổ hiện nay thường dẫn đến tình trạng “chạy” dự án, “chạy” ngân sách. Chính vì sử dụng ngân sách chưa minh bạch nên không biết cắt ngân sách ở chỗ nào, tăng ở chỗ nào. Bởi thực tế, không biết lấy từ nguồn nào để tăng cho chỗ này, cũng như cơ sở nào để cắt giảm đầu tư ở chỗ kia. “Bầu sữa” ngân sách, qua phân tích của các đại biểu, cho thấy tình trạng không khi nào giải được “cơn khát”.
Mặc dù Chính phủ đã đặt ưu tiên cho điều hành kinh tế - xã hội, thì điều quan trọng hàng đầu, theo các đại biểu Quốc hội, là làm sao tạo lập, củng cố lòng tin trong điều hành và phải có những giải pháp căn cơ cho những vấn đề vững chắc và lâu dài. Nhiệm vụ là rất khó khăn nhưng không thể chậm trễ hơn.