Ukraine trước viễn cảnh bị chia cắt

ANTĐ - Sau khi Quốc hội nước CH tự trị Crimea ngày 6-3 bỏ phiếu thông qua đề nghị được sáp nhập vào Nga, ngay hôm sau thành phố Sevastopol cũng đề nghị gia nhập Nga. Quốc hội Nga khẳng định sẽ tôn trọng lựa chọn của người dân Criema trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới về việc sáp nhập vào LB Nga, trong khi các nước phương Tây tiếp tục gây sức ép.

Cộng hòa tự trị Crimea chờ đợi quyết định số phận

Sevastopol đòi sáp nhập Nga

Theo thông báo đăng tải ngày 7-3 trên trang web của Hội đồng thành phố cảng chiến lược Sevastopol thuộc Crimea, Hội đồng này đã bỏ phiếu nhất trí tách khỏi Ukraina và “trở thành một chủ thể trực thuộc Liên bang Nga”. Quyết định này có hiệu lực ngay sau cuộc trưng cầu dân ý của Quốc hội Crimea về việc sáp nhập Nga, dự kiến diễn ra ngày 16-3 tới. Lãnh đạo thành phố Sevastopol cũng khẳng định ủng hộ hoàn toàn đối với quyết định tổ chức trưng cầu dân ý này của Quốc hội Crimea. Phản ứng trước động thái này, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk tuyên bố quyết định này của Crimea là bất hợp pháp và bán đảo này là một phần không thể tách rời của Ukraine.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Valentina Matviyenko tuyên bố, Thượng viện nước này sẽ ủng hộ quyết định của Crimea nếu khu vực này quyết định sáp nhập vào Liên bang Nga thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Chủ tịch Hạ viện Nga Sergei Naryshkin ngày 7-3 cho biết, Nga tôn trọng “lựa chọn lịch sử” của người dân Crimea, đồng thời khẳng định Nga sẽ cân nhắc về đề nghị sáp nhập này.

Sắc lệnh trừng phạt đầu tiên

Cũng trong ngày 7-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga V.Putin đã có cuộc điện đàm thứ 2 về tình hình Ukraine. Phát biểu sau cuộc điện đàm, Tổng thống Putin vẫn khẳng định Nga – Mỹ  còn nhiều điểm khác biệt trong cách tiếp cận và đánh giá cuộc khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Obama cho rằng cuộc trưng cầu dân ý của Crimea và đề nghị sáp nhập vào Nga của Crimea là vi phạm hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế. Ông Obama cũng khẳng định bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào ở Crimea đều phải có sự tham dự của chính phủ hợp pháp Ukraine, đồng thời yêu cầu Nga rút toàn bộ quân khỏi Ukraine. 

Trước đó, ngày 6-3 Tổng thống Obama đã ký sắc lệnh đầu tiên trừng phạt Nga, theo đó phong tỏa tài sản đối với cá nhân và quan chức đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời ngừng cấp visa cho một số cá nhân và quan chức Nga. Về phía Nga, Tổng thống Putin khẳng định mọi hành động của Nga đều phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông Putin cũng đã tổ chức một cuộc họp bất thường về đề nghị sáp nhập của Crimea. 

Sau động thái nhiều nước đe dọa trừng phạt Nga về vấn đề Ukraine, Bộ Ngoại giao của Trung Quốc ngày 7-3 cho rằng trừng phạt không phải là biện pháp tốt nhất để giải quyết khủng hoảng của Ukraine hiện nay. Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 7-3 đã có cuộc họp khẩn về Ukraine. Đây là phiên họp thứ 4 trong tuần qua và là phiên họp kín. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã bế mạc cuộc họp thượng đỉnh về tình hình Ukraine. Các nhà lãnh đạo của EU đều yêu cầu cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine vẫn diễn ra như dự kiến, đồng thời khẳng định EU sẽ ký thỏa thuận liên kết với Ukraine. EU cũng đưa ra hàng loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong đó có việc cấm đi lại, hủy tham dự hội nghị G8 và các cuộc họp thượng đỉnh của EU.