Tỷ giá không còn căng thẳng

ANTĐ - Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND liên tục được các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm. Nguồn cung được bổ sung trong khi nhu cầu về ngoại tệ sau dịp tết cũng đã giảm mạnh. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là những tín hiệu tốt của thị trường ngoại tệ.


Liên tục giảm

Theo thông tin từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tháng 1-2012, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống đã được cải thiện, các ngân hàng thương mại đã tích cực bán lại ngoại tệ cho NHNN. Từ nửa sau của tháng 1, các ngân hàng thương mại đã liên tục giảm giá USD. Giá USD bán ra từ mức kịch trần 21.036 đồng liên tục giảm xuống dưới mốc 20.800 đồng. Cho đến những ngày gần đây, xu hướng giảm tiếp tục được thể hiện, nhiều ngân hàng tiếp tục bán USD dưới mức trần. Trong suốt hai tuần qua, tỷ giá USD tại ngân hàng liên tục sụt giảm với giá mua vào thấp nhất chưa đến 20.800 đồng và bán ra cao nhất tại 20.870 đồng, kém trần tới 166 đồng.

Ngày 17-2, trong khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố vẫn đứng yên ở mức 20.828 đồng/USD thì tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng vẫn tiếp tục đi xuống, kéo dài chuỗi ngày giảm của giá USD. Theo đó, giá USD mua vào bán ra tại Vietcombank là 20.800 đồng/USD - 20.860 đồng/USD, giảm 20 đồng/USD so với ngày 15-2. Tại ACB, giá USD cũng giảm 30 đồng chiều mua vào và 20 đồng chiều bán ra so với ngày 15-2, còn 20.780 - 20.850 đồng.

Các ngân hàng thương mại cho biết, nguồn cung ngoại tệ đã được cải thiện đáng kể và có xu hướng tăng. Đây là tín hiệu khả quan, vì so với cùng kỳ năm trước khi giá USD liên tục “nhảy múa” có lúc tiến sát 22.000 đồng/USD, chênh lệch USD trong ngân hàng và thị trường tự do có lúc lên gần 2.000 đồng/USD. Bên cạnh đó, NHNN cũng cho biết, từ tín hiệu trên thị trường NHNN đã và đang mua vào ngoại tệ trong khoảng một tháng trở lại đây. Dự trữ ngoại tệ theo đó sẽ được cải thiện sau khi đã tăng khá mạnh trong năm 2011.

Đã thực sự ổn định?

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn trước tiên là do tác động từ những thông điệp cũng như động thái từ phía NHNN. Thông điệp năm 2012 biến động tỷ giá sẽ không quá 3% từ Thống đốc, đã làm cho giới đầu cơ “chùn bước”. Cùng với đó, kiều hối tiếp tục tăng đã hỗ trợ rất lớn cho nguồn cung ngoại tệ.

Đánh giá của giám đốc một ngân hàng thương mại cho rằng, tỷ giá giảm trong thời gian qua là do nguồn cung tăng trong khi nhu cầu không đột biến do mới ra tết, các doanh nghiệp nhập khẩu chưa triển khai cụ thể kế hoạch sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, sau tết, thông thường có những khoản chưa đầu tư, khách hàng sẽ gửi lại ngân hàng kể cả nội và ngoại tệ. Mặt khác, Chính phủ chú trọng gia tăng kim ngạch xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu làm giảm tình trạng nhập siêu khiến áp lực lên tỷ giá không còn như trước.

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng thì xu hướng giảm này chỉ là tạm thời, chứ chưa thực sự bền vững. “Xuất siêu của Việt Nam đạt mức khá cao trong tháng 1 chỉ là tạm thời vì suốt một thời gian dài, chúng ta luôn nhập siêu cao hơn. Hơn nữa, để tỷ giá ổn định lâu dài còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố nữa. Đó là các động thái, lộ trình chính sách, rồi các lĩnh vực như đầu tư thương mại, bất động sản”, ông Lực phân tích.

Một vấn đề nữa của thị trường ngoại tệ hiện nay là người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng thì dễ nhưng khi mua lại rất khó. Đây cũng là nguyên nhân khiến một lượng ngoại tệ lớn được bán ra ngoài thị trường tự do thay vì được bán cho các ngân hàng. Các chuyên gia cho rằng, để nguồn cung ngoại tệ thực sự dồi dào, NHNN cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại phục vụ tốt hơn các nhu cầu ngoại tệ của người dân, doanh nghiệp, tránh việc bán ngoại tệ cho ngân hàng thì dễ nhưng khi cần mua lại rất khó.