Tuyển sinh 2018: Sinh viên ngành kinh tế 4 năm nữa sẽ là thế hệ vàng

ANTD.VN - 4 năm nữa sinh viên ngành kinh tế sẽ có nhiều cơ hội việc làm do nền kinh tế trong và ngoài nước đang có triển vọng phát triển tốt.

Cơ hội việc làm tăng tương ứng tốc độ phát triển kinh tế

Sau khủng hoảng của ngành ngân hàng cùng với tình trạng ứ thừa cử nhân kế toán… nhiều thí sinh đang rất băn khoăn với khối kinh tế, tài chính, ngân hàng trước mùa tuyển sinh 2018.

Tuy nhiên, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân khẳng định năm 2017 các ngành kinh tế đều phát triển với hơn 129.000 doanh nghiệp mới thành lập. Trong 2 tháng đầu năm 2018 triển vọng kinh tế được đánh giá lạc quan.

“Điều này cho thấy, thí sinh vào ngành này sau 4 năm học tới sẽ có nhiều cơ hội việc làm. Khối ngành kinh tế đang nóng trở lại.

Bằng chứng là ngành ngân hàng bị rơi vào khủng hoảng năm 2011, kéo dài 3 năm theo suy thoái chung cả thế giới nhưng những bạn vừa ra trường thời điểm 2016, 2017 phản hồi lại trường thì đều đi làm ngay khi tốt nghiệp. Việt Nam được đánh giá là đứng số một về tốc độ phát triển kinh tế nên thế hệ cử nhân kinh tế tới đây sẽ là thế hệ vàng” – ông Triệu cho biết.

Kinh doanh truyền thống bị cạnh tranh với công nghệ số

Thông tin từ các trường chuyên đào tạo về kinh tế như ĐH Ngoại thương, Học viện Tài chính, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương mại thì các ngành kinh tế truyền thống như quản trị kinh doanh, Marketing, kinh tế đối ngoại, kinh doanh quốc tế… vẫn là những ngành thu hút được nhiều thí sinh.

Các chuyên gia tuyển sinh đánh giá lạc quan về khối ngành kinh tế

Tuy nhiên, các chuyên gia tuyển sinh cũng đưa ra lời khuyên các ngành kinh tế đòi hỏi tố chất khác nhau của người học.

Tố chất người học marketing phải làm sao để đối tác có ấn tượng tốt với mình, quan hệ rộng, tầm nhìn bao quát, có sở thích giao lưu ...

Còn với quản trị kinh doanh lại đòi hỏi người học sau này muốn thành công phải có tính mạo hiểm, can đảm vì thường khi vào nghề ít cũng phải 3,4 lần thất bại. Nếu không có tố chất này thì chỉ nên làm các lĩnh vực chuyên gia tư vấn.

Ngoài các ngành kinh tế truyền thống thì điểm nổi bật trong mùa tuyển sinh năm nay là sự xuất hiện của kinh doanh trực tuyến. Bà Lê Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Viện đào tạo Quốc tế, Tổ chức Giáo dục FPT cho biết, cùng với sự phát triển của Internet và các thiết bị số, kinh tế có sự chuyển dịch từ phương thức kinh doanh truyền thống sang phương thức trực tuyến.

Theo đó, Digital Marketing trở thành một trong những ngành “nóng” không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam, thu hút nguồn nhân lực trẻ học tập và làm việc.

Nhu cầu tuyển dụng vị trí “Digital Marketing” của các doanh nghiệp cũng ngày càng tăng, khoảng hơn 48 triệu kết quả tìm kiếm khi tra cứu “Digital Marketing job” và hơn 5 trăm nghìn kết quả khi tra cứu “Digital Marketing việc làm” trên Google. 

Mức lương dành cho nhân sự ngành này được đánh giá là hấp dẫn: trung bình từ 78.000 USD/1 năm tại Mỹ và 7.000 USD/1 năm tại Việt Nam.

Đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực này, FPT Skillking là trường đầu tiên đào tạo chuyên sâu và cấp bằng quốc tế Higher Diploma in Digital Marketing với phương pháp đào tạo Smart Lab chuyên sâu, học viên có thể đi làm ngay sau khi hoàn thành mỗi học kỳ và tốt nghiệp ra trường với lương khởi điểm từ 8 triệu đồng/ tháng trở lên.