Thí sinh lo điểm chuẩn cao

ANTD.VN - Sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi và phổ điểm các khối xét tuyển đại học, thí sinh đều băn khoăn liệu điểm chuẩn năm nay có cao hơn năm 2016?

Đông đảo thí sinh tham gia tư vấn tuyển sinh 2017 sáng 8-7 tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Bộ GD-ĐT đã đưa ra thống kê về phổ điểm từng môn thi THPT quốc gia cũng như phổ điểm từng khối xét tuyển đại học năm nay. So với năm 2016, điểm trung bình của các khối A1, C, D... đều tăng từ 1 tới 2 điểm. Các trường đại học đang phải cân nhắc về việc nâng điểm chuẩn so với năm 2016.

Điểm sàn ổn định ở mức 15 điểm

Chiều 7-7, Bộ GD-ĐT chính thức công bố phổ điểm các khối thi đại học 2017. Trong đó, khối A có mức điểm nhiều thí sinh đạt được nhất là 18 với 30.544 thí sinh. Có 217 thí sinh đạt trên 29-30 điểm. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, so với năm 2016, phổ điểm khối A nghiêng về phía điểm cao hơn năm ngoái rất nhiều. Thí sinh cần cân nhắc khi đăng ký xét tuyển vào những trường đại học tốp đầu sẽ có khả năng cạnh tranh căng thẳng hơn năm 2016.

Mặt bằng điểm khối A1 năm nay tập trung nhiều nhất vào mức 17 điểm với 31.594 thí sinh đạt mức điểm này. Có 38 thí sinh đạt trên 29 đến 30 điểm. Bộ GD-ĐT so sánh, điểm trung bình năm 2017 của khối này cao hơn năm 2016 tới 2 điểm. Đây là điều thí sinh cần đặc biệt lưu ý khi căn cứ điểm chuẩn năm trước để đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay.

Mặt bằng điểm khối B có lượng thí sinh tập trung đông nhất ở mức điểm 17 với 35.155 thí sinh. Có tới 342 thí sinh đạt mức điểm cao nhất từ 29-30 điểm. Đánh giá của Bộ GD-ĐT, điểm trung bình của khối này không khác điểm năm 2016. Phổ điểm từ 24 điểm lên 30 điểm có độ thoải nên các trường dễ xác định điểm chuẩn.

Khối C năm nay có mức điểm trung bình cao hơn hẳn năm 2016. Đỉnh phổ điểm khối này rơi vào 16 điểm trong khi năm ngoái chỉ là 14,5. Điều này cũng dự báo khả năng điểm chuẩn khối C năm nay sẽ cao hơn năm trước. Bộ GD-ĐT nhận định, điểm trung bình năm 2017 cao hơn năm 2016 khoảng 1 điểm, đường cong phân bố chuẩn, dốc đều, thuận lợi trong xác định điểm trúng tuyển vào các trường ĐH.

Khối D có phổ điểm chênh lệch khá lớn với đỉnh rơi vào mức 14 điểm. Mức điểm cao nhất của khối này là 29 điểm. Không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối. Đánh giá của Bộ GD-ĐT cho thấy, điểm trung bình năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 2 điểm, nhánh phân bố phổ điểm về phía điểm cao dốc đều, thuận tiện trong việc xác định điểm chuẩn vào các trường ĐH 2017.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các dữ liệu hiện nay cho thấy điểm sàn đại học sẽ không có sự thay đổi đột biến so với các năm trước, dự kiến khoảng 15 điểm, áp dụng cho tất cả các khối thi A, A1, B, C, D. Mức 15 điểm là tổng điểm 3 môn thi THPT quốc gia không nhân hệ số, chưa tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Căn cứ vào mức điểm sàn, các trường đại học, cao đẳng sẽ xây dựng mức điểm xét tuyển vào trường cho phù hợp với yêu cầu của ngành nghề đào tạo. Bộ GD-ĐT dự kiến công bố điểm sàn xét tuyển đại học vào ngày 12-7.

Trường đại học cân nhắc nâng điểm chuẩn

Sau khi so sánh kết quả thi của mình và các bạn, Nguyễn Thái Hà, học sinh trường THPT Đống Đa, Hà Nội lo lắng: “Điểm thi năm nay cao hơn so với các năm trước, vậy điểm chuẩn năm nay có tăng đột biến hay không? Em muốn đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, vậy điểm chuẩn của trường dự kiến có tăng nhiều so với các năm trước hay không?”.

Trao đổi về băn khoăn này, PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết với kết quả thi đã được 63 Sở GD-ĐT công bố, có thể thấy rõ mặt bằng điểm năm nay cao hơn. “Về lý thuyết, mặt bằng chung lên cao, thì điểm xét tuyển sẽ tăng. Tuy nhiên, mức cụ thể nào thì phải căn cứ vào mức điểm đã đạt của những thí sinh đăng ký vào từng ngành xét tuyển” - PGS. Trần Văn Tớp cho biết. Được biết, trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ công bố ngưỡng nhận hồ sơ với mức điểm khác nhau giữa các ngành khác nhau. Dự kiến mức điểm nhận hồ sơ cụ thể của trường này sẽ được công bố vào ngày 13-7 hoặc   14-7.

ĐH Ngoại thương là một trong những trường có điểm đầu vào cao nhất cả nước. Với nhiều thí sinh đạt điểm 9, 10, các thí sinh đang phải cân nhắc kỹ việc có nên đăng ký nguyện vọng vào ĐH Ngoại thương hay không. Chia sẻ về điều này, TS Phạm Thu Hương - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương, cho biết: “Đúng là theo dữ liệu điểm thi thì điểm 8 trở lên tăng rõ rệt. Chỉ cần nâng điểm chuẩn lên 0,2 điểm so với năm trước thì số lượng thí sinh trúng tuyển đã tăng vọt lên khá nhiều. Vì thế trường ĐH Ngoại thương sẽ rất thận trọng trong việc nâng mức điểm chuẩn”.

Theo thành viên Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Giao thông - Vận tải, mức điểm xét tuyển cao hay thấp còn phụ thuộc vào con số chính xác về số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng, sau khi điều chỉnh nguyện vọng tới đây. Nhà trường dự kiến mức điểm chuẩn năm nay không giảm, mà vẫn ổn định như năm 2016, từ 17 đến 22,5 điểm.

Thí sinh lo điểm chuẩn cao ảnh 2
Lưu ý với thí sinh đăng ký vào trường thuộc khối quốc phòng

 Sau khi rà soát hồ sơ đăng ký vào khối trường Quân đội, chúng tôi thấy có nhiều vấn đề phải lưu ý đối với thí sinh. Có một số em đăng ký vào trường quân đội nhưng không đăng ký sơ tuyển. Những trường hợp này đã được Ban Tuyển sinh thông báo với địa phương để thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Ngược lại có em đăng ký sơ tuyển rồi nhưng lại không đăng ký xét tuyển vào khối trường quân đội. Vì thế, tôi muốn lưu ý rằng thí sinh đăng ký vào khối trường quân đội phải đăng ký và đạt yêu cầu sơ tuyển. Đăng ký sơ tuyển không đồng nghĩa với đăng ký xét tuyển.

Việc đăng ký sơ tuyển được thực hiện ở Ban chỉ huy quân sự địa phương, trong khi đăng ký xét tuyển được thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT. Hiện có nhiều thí sinh sơ tuyển nhưng chỉ đăng ký nguyện vọng 2, 3 với ngành, trường mình đã sơ tuyển. Với các trường hợp này, thí sinh cần điều chỉnh đưa về nguyện vọng 1 thì mới được xem xét.

 Đại tá Vũ Xuân Tiến (Thư ký Ban Tuyển sinh quân sự, Bộ Quốc phòng)

Thí sinh lo điểm chuẩn cao ảnh 3

Có thể thay đổi toàn bộ nguyện vọng xét tuyển 

 Quy định của Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng phương thức trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh hoàn toàn có thể thay đổi nguyện vọng cả về số lượng, về ngành, trường đăng ký, tổ hợp xét tuyển… Trong đó, riêng trường hợp tăng nguyện vọng thì phải đăng ký điều chỉnh bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng.

Mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian quy định và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Phương thức điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến chỉ áp dụng cho thí sinh không tăng thêm số nguyện vọng đăng ký xét tuyển và không điều chỉnh ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng.

Trong trường hợp thí sinh có điều chỉnh ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng phải đến điểm tiếp nhận hồ sơ để điều chỉnh qua phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

 TS. Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT)