Tụt hạng... kinh doanh

ANTĐ - Năm nay, Việt Nam được xếp hạng 98 trong tổng số 183 nền kinh tế trên thế giới, thấp hơn năm ngoái ở hạng 90, tức là đã bị đánh tụt hạng mất 8 bậc.
Tụt hạng... kinh doanh ảnh 1
Kinh tế Việt Nam tụt 8 bậc so với năm ngoái
Đó là đánh giá trong báo cáo “Môi trường kinh doanh 2012” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) mới công bố. Bị tụt hạng là chuyện chẳng vui vẻ gì, nhưng nó phản ánh trung thực những gì đang diễn ra. Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện báo cáo tổng hợp rà soát pháp luật kinh doanh”. Theo đó, 16 luật và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ đang có hiệu lực thực thi trong hai năm qua đã được tiến hành rà soát. Đây là những bộ luật liên quan nhiều nhất đến mọi lĩnh vực kinh tế, đồng thời cũng nhiều vướng mắc nhất. Rà soát tới 16 bộ luật quan trọng từ lĩnh vực đất đai, đầu tư, thương mại, đấu thầu, xây dựng, hải quan cho đến các lĩnh vực thuế cùng với 200 văn bản hướng dẫn, theo cách ví von của chuyên gia, chẳng khác gì việc “nhặt sạn” trong một thùng gạo to. Tuy nhiên, công việc này đã được sàng lọc từ lâu, nhất là từ trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư thuế, hải quan của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Có thể nói, trong lòng tay của các doanh nghiệp đều đầy một “vốc sạn”. Ở đây chỉ nhặt ra những “hạt sạn” to nhất như một số quy định pháp luật về tiếp cận đất đai, vốn, tiếp cận thị trường; thủ tục, điều kiện kinh doanh… còn nhiều bất cập chưa đảm bảo quyền tự do kinh doanh và tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường. Cùng với đó là các quy định hiện hành trong một số lĩnh vực thiếu cơ chế đảm bảo thực thi, các thủ tục hành chính dù đã được cải cách mạnh mẽ nhưng vẫn còn rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp từ phía bộ máy công quyền như thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp khi muốn có quỹ “đất sạch” ở địa phương. Mặc dù giới doanh nghiệp đã cảm thấy “dễ thở” hơn nhờ một số cải thiện hệ thống pháp luật kinh doanh, chẳng hạn như được tự in hóa đơn, khuyến khích kinh doanh, đầu tư, song cuộc khảo sát gần đây cho thấy, để có được giấy phép xây dựng nhà đầu tư phải “bước qua” 9 quy trình thủ tục với 62 loại hồ sơ. Trung bình nhà đầu tư phải “diện kiến” từ 2 đến 6 đầu mối ở mỗi cơ quan cho một thủ tục, tổng cộng phải tiếp xúc ít nhất 25 đầu mối để hoàn thành toàn bộ quy trình. Kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 1/3 hồ sơ và thủ tục trùng lặp, có thể cắt giảm nếu các cơ quan chịu chia sẻ thông tin. Đây là một vấn đề “nhạy cảm”, bởi cơ quan nào đứng ra chủ trì sẽ bị cho là nhiều quyền hơn cơ quan khác. Rốt cuộc là chẳng ai chịu phối hợp cả, vì thế doanh nghiệp bó tay, không biết thủ tục nào trước thủ tục nào sau và ai thực hiện. Cố vấn trưởng về cải cách và thể chế của dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh”, chỉ vào một bức ảnh chụp dàn nhạc giao hưởng để nói về cách làm và phối hợp chính sách ở Việt Nam. Theo ông, nếu làm chính sách mỗi nơi một kiểu, thì cũng giống như các nhạc công mỗi người mỗi phách, âm thanh to đến mấy cũng không thành dàn nhạc. Báo cáo “Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2011-2012 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, Việt Nam xếp hạng 113 trong số 143 quốc gia về gánh nặng quy định thủ tục. Liệu Việt Nam có thể cải thiện môi trường kinh doanh được không để tránh tụt hạng và giành lại vị trí? Câu trả lời là có thể. Theo kết quả của Đề án 30, doanh nghiệp và người dân đã đỡ tốn tới 1,4 tỷ USD mỗi năm do đã cắt giảm được 8,8% và đơn giản hóa 77% trong tổng số 5.421 thủ tục hành chính. Một chuyên gia nước ngoài về cải cách và thể chế cho rằng, Việt Nam còn có thể cắt giảm tiếp   30-50% thủ tục hành chính còn lại. Nếu làm được điều này, GDP có thể tăng thêm 9 tỷ USD hàng năm, tương đương 104 USD/người/năm.