Thời kỳ đó, các nhà khảo cổ học đến từ trường Viễn Đông Bác Cổ đã đánh giá bức tượng là tác phẩm nghệ thuật hội tụ các đặc điểm điển hình của kỹ thuật đúc đồng Đông Nam Á thuộc nền văn hóa Óc Eo có niên đại khoảng thế kỷ 3-5. Ngày 22-9-1944, tượng được đưa vào Bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia - TP.HCM) để lưu giữ. Bức tượng từng được đưa đi trưng bày tại Hàn Quốc năm 2010 với giá bảo hiểm 500.000 USD. Trước đó, tượng được trưng bày ở Singapore (2008) và ở Mỹ (2009).
Tượng tạo hình mỹ thuật sắc sảo với tư thế đứng, cao 23,3cm, rộng 11cm, nặng 1,5kg, tóc xõa ra hai vai, có bốn tay, mỗi tay cầm một vật tượng trưng. Hai tay phía trên cầm một con ốc (ở tay trái) và có thể cầm một bánh xe nay đã gãy mất (ở tay phải). Hai tay phía dưới cầm một cây chùy dài (ở tay trái) và một quả cầu tròn (ở tay phải). Theo lời giải thích được ghi trong cuốn Áo nghĩa thư (Upanishad): Vỏ ốc trên tay thần là tượng trưng cho các động lực bí ẩn thúc đẩy sự chuyển động sinh sôi nảy nở của cuộc sống muôn loài. Cái dĩa tròn như mặt trời tượng trưng cho nguồn sáng vi diệu của trí tuệ. Cây cung tượng trưng cho ảo vọng và tất cả những gì phù du đã, đang và sẽ lao đi mất hút theo một mũi tên vô hình do thần Thời gian vót nhọn. Cây chùy tượng trưng cho sức mạnh của sự hiểu biết nguyên sơ, nguyên tính, có quyền năng dẹp sạch những kiến giải phàm phu vụn vặt và đánh vỡ những bến bờ mộng mị mọc lên giữa hai dòng chảy của hư vô.
Với ý nghĩa của những vật trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy thần Vishnu là hiện thân của sự từ bi, là một trong ba vị tối linh trong Ấn Độ giáo. Thần Vishnu cũng được xem như cây cột vũ trụ chống đỡ bầu trời. Chính việc phân tích giá trị của pho tượng trên 1.500 năm tuổi này đã giúp các nhà nghiên cứu sử học, văn học, khảo cổ học có những nhận định chính xác nhất về lịch sử tôn giáo tại Việt Nam nói riêng và trên toàn châu Á. Hiện nay tượng thần Vishnu vẫn đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia TP.HCM.