Tung tin đồn thất thiệt gây hại cho doanh nghiệp qua mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SBLAW  khẳng định, dù với bất cứ lý do gì thì việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội là vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự.
Không đăng tải, chia sẻ thông tin thất thiệt trên mạng xã hội

Không đăng tải, chia sẻ thông tin thất thiệt trên mạng xã hội

Gần đây, trên mạng xã hội có nhiều thông tin thất thiệt như: bắt giám đốc doanh nghiệp A, cơ quan công an "gọi tên" doanh nghiệp B... gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp nói riêng và thị trường chứng khoán, nền kinh tế nói chung.

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay, trước tiên, cần khẳng định việc tung tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Cụ thể tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 đã có quy định về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn mà người vi phạm sẽ đối mặt với việc xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự. Điều này đã được quy định rất rõ tại Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Về xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, thì hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và đồng thời bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật theo quy định tại khoản 3 Điều này như biện pháp khắc phục hậu quả.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng cho biết thêm, về trách nhiệm dân sự, căn cứ Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường (trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác). Trong đó, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này còn phải bồi thường cho người bị xâm phạm một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu; mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Do đó, người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể khởi kiện người có hành vi vi phạm ra Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại (mức yêu cầu bồi thường phụ thuộc vào thiệt hại mà người bị xâm phạm có thể chứng minh được).

Còn đối với trường hợp bị xử lý hình sự, hành vi tung tin đồn thất thiệt về người khác xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người đó thì người có hành vi vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt cao nhất là bị phạt tù đến 07 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trước đó, ngày 7-4, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xử lý nghiêm các vụ việc, vi phạm trên thị trường chứng khoán theo quy định pháp luật, bảo đảm thị trường chứng khoán hoạt động lành mạnh, minh bạch, ổn định và an toàn.

Bộ Công an, Bộ TT-T cũng cho biết sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.