Tuần tra hay cắm chốt?

(ANTĐ) - Chiếm tỷ lệ cao về số vụ TNGT nghiêm trọng so với các quận nội thành, khó khăn thường xuyên mà các địa bàn ngoại thành gặp phải, đó là quân số ít, không đủ để dàn trải trên địa bàn rộng.

Tuần tra hay cắm chốt?

(ANTĐ) - Chiếm tỷ lệ cao về số vụ TNGT nghiêm trọng so với các quận nội thành, khó khăn thường xuyên mà các địa bàn ngoại thành gặp phải, đó là quân số ít, không đủ để dàn trải trên địa bàn rộng.

Như huyện Sóc Sơn, tổng chiều dài các tuyến đường quốc lộ, đường cấp thành phố, đường liên huyện tới 600km. Trong khi biên chế của Đội CSGT chỉ hơn 20 người. Hơn 20 CBCS ấy phải bố trí vào các vị trí đăng ký xe cho người dân, tiếp dân, ứng trực; còn lại phân công nhau thực hiện tuần tra kiểm soát hoặc cắm chốt.

Tình trạng này cũng tương tự ở các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Từ Liêm. Yếu tố quan trọng để xử lý, ngăn chặn, phòng ngừa TNGT phải bằng công tác tuần tra kiểm soát.

Thế nhưng biện pháp để duy trì “bóng dáng” lực lượng chức năng hiện nay còn chưa thống nhất. Có địa bàn, do chiều dài tuyến đường quá nhiều, quá xa, CSGT phải chọn giải pháp cắm chốt ở những “điểm đen”, những tuyến đường quốc lộ gần khu dân cư.

Hiệu quả là có, song chỉ “gói gọn” ở khu vực cắm chốt ấy. Và vô tình còn tạo ra tâm lý đối phó của các lái xe. Bởi khi CSGT đã cắm chốt thì thế nào “cánh” lái xe cũng có tín hiệu báo cho nhau biết để “chấp hành” Luật. Vì thế, đến “chốt”, lái xe chấp hành tốt. Qua khỏi “chốt”, đâu lại vào đấy.

Thực trạng giao thông ở ngoại thành rất cần tăng cường biện pháp tuần tra lưu động để đảm bảo yếu tố kiểm soát được rộng. Bên cạnh đó, phải huy động lực lượng CSTT và Công an các trạm - thị trấn tham gia giải quyết giao thông.

Đây là các lực lượng trước khi có chủ trương phân cấp CSGT về các huyện đã từng làm. “Dồn” trách nhiệm vào CSGT, trông vào cắm chốt, thì TNGT và những phức tạp trên các tuyến đường ngoại thành sẽ còn diễn ra.

Trung Dân