- Lừa tiền xin việc, cựu chuyên viên Liên đoàn lao động tỉnh lãnh án 12 năm tù
- Đánh sập ổ nhóm lợi dụng mạng xã hội lừa đảo xin việc làm
- Lật tẩy thủ đoạn giả danh công an lừa đảo xin việc chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng
Tại phiên tòa mới đây, Phạm Thị Thu Hương (SN 1976, trú ở phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) đã bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là 13 người ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau có nhu cầu xin việc làm hoặc xin cho con, em đi học.
Một trong số bị hại của Phạm Thị Thu Hương là chị Nguyễn Thị Nga (SN 1963), trú tại thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ thể, giữa năm 2014, thông qua người thân quen ở cùng địa phương, chị Nga được biết anh Nguyễn Văn Lành (SN 1971, trú ở TP Biên Hòa, Đồng Nai) có “mối” xin việc làm.
Cùng thời điểm, con trai của chị Nga vừa tốt nghiệp một trường đại học nhưng chưa kiếm được việc làm. Mong muốn con cái nhanh chóng ổn định, chị Nga chấp nhận bỏ ra 400 triệu đồng để nhờ anh Lành xin cho con trai vào làm lái xe tại một trường đại học, thuộc lực lượng vũ trang.
Phạm Thị Thu Hương bị đưa ra xét xử tại phiên tòa
Và rồi từ tháng 8 đến tháng 11-2014, chị Nga đã 2 lần giao đủ số tiền nêu trên cùng bộ hồ sơ xin việc của con trai cho anh Lành thông qua người quen. Vậy nhưng sau nhiều lần hứa hẹn, con trai chị Nga vẫn không được gọi đi làm.
Cũng vào cuối năm 2014, chị Hồ Thị Liên (SN 1967, ở huyện Tân Kỳ, Nghệ An) được anh Lành cho biết có người bạn làm giảng viên đại học tại Hà Nội có nhiều mối quan hệ nên có thể xin được việc làm tại Bệnh viện Quân Y 103 với chi phí 250 triệu đồng.
Mong muốn đứa con trai sinh năm 1991 có được công việc tại Hà Nội, chị Liên liền đưa trước cho anh Lành 150 triệu đồng cùng bộ hồ sơ xin việc. Số tiền còn lại, hai bên thống nhất khi nào con trai chị Liên chính thức đi làm sẽ thanh toán nốt.
Sau đó, cũng như trường hợp của chị Nga, số tiền nhận của chị Liên, anh Lành chuyển hết cho Phạm Thị Thu Hương. Thế nhưng sau một thời gian dài chờ đợi, gia đình chị Liên vẫn có được điều mong muốn.
Về sau nhận ra Hương không thể xin được việc làm cho con em mình, chị Liên và chị Nga thúc giục anh Lành yêu cầu Hương trả lại tiền nhưng không kết quả. Bởi sau khi đã cho hàng chục người “sập bẫy”, Hương bỏ trốn vào TP HCM sinh sống cho tới khi bị bắt giữ theo quyết định truy nã.
Kết quả điều tra làm rõ, năm 2014, anh Nguyễn Văn Lành ra Hà Nội làm nghiên cứu sinh và quen biết Phạm Thị Thu Hương. Ngay khi hai người quen biết nhau, người đàn bà này tự nhận là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội.
Không chỉ vậy, Hương còn bịa ra chuyện chị ta có rất nhiều mối quan hệ tốt nên có thể xin được việc làm tại nhiều cơ quan Nhà nước hoặc có thể “chạy” được vào các trường trung học chuyên nghiệp, đại học thuộc lực lượng vũ trang tại Hà Nội.
Bị Hương lừa phỉnh và thêu dệt, anh Lành sau đó nói với nhiều người thân quen là có mối “chạy” học, “chạy” trường, đồng thời đứng ra làm đầu mối thu nhận tiền, hồ sơ của những người có nhu cầu, rồi chuyển lại cho nữ giảng viên rởm.
Bằng mánh khóe nêu trên, từ tháng 8 đến tháng 12-2014, Hương đã lừa đảo chiếm đoạt được gần 2,6 tỉ đồng của 13 người ở nhiều địa phương khác nhau, trong đó chủ yếu là ở Hà Tĩnh và Nghệ An. Trước khi bỏ bốn, Hương mới trả lại được hơn 900 triệu đồng cho một số bị hại.
Bị đưa ra tòa án xét xử, bị cáo thừa nhận bản thân không hề có khả năng xin việc làm hoặc xin vào các trường học như đã hứa hẹn với mọi người… Xét hành vi của bị cáo đã phạm vào tội danh như truy tố nên TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Phạm Thị Thu Hương 14 năm tù.