Tử vong vì truyền nước, bác sĩ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

ANTD.VN - Ngày 1-5, nữ sinh Cù Thị Ngọc B (học sinh lớp 12, trú ở tổ 8, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) có biểu hiện mệt lả nên được mẹ là chị Ngô Thị H cùng người nhà đưa đến phòng mạch tư của bác sĩ Trần Công L tại số 95, đường Lê Hồng Phong, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa để khám (Bác sĩ Trần Công L là bác sĩ chuyên khoa 1, công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa). 

Bác sĩ L đã trực tiếp siêu âm cho B sau đó tiêm 1 mũi thuốc và tiến hành truyền dịch. Khoảng 30 phút sau B có biểu hiện co giật, toàn thân lạnh toát. Lúc này bác sĩ L đã giục người nhà đưa B đi bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các y bác sĩ kíp trực của bệnh viện đã nhanh chóng tổ chức khám, cấp cứu nhưng 5 phút sau thì nữ sinh Cù Thị Ngọc B tử vong.

Tình huống tranh luận đặt ra trong trường hợp này là bác sĩ Trần Công L. có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Tử vong vì truyền nước, bác sĩ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự? ảnh 1Ảnh: Minh họa

Ý kiến bạn đọc 

Vô ý giết người

Trong trường hơp này bác sĩ L đã phạm tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính quy định tại Điều 99, Bộ luật Hình sự năm 2009. Tôi cho rằng quá trình khám, chữa bệnh kể cả là việc truyền dịch cũng đều có những quy tắc đảm bảo an toàn tính mạng của bệnh nhân. Tuy nhiên có thể trong quá trình khám, chữa bệnh và truyền dịch, bác sĩ L đã quá chủ quan và tự tin về chuyên môn nên đã dẫn đến cái chết của nữ sinh B. Về nguyên nhân cái chết của B, chắc chắn sẽ phải có cơ quan chuyên môn xác định, làm rõ. Tuy nhiên có thể khẳng định hậu quả chết người là xuất phát từ việc tiêm 1 mũi thuốc và truyền dịch của bác sĩ L. Căn cứ theo quy định của pháp luật, bác sĩ L có thể bị phạt tù từ 1 đến 6 năm và bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 1 đến 5 năm.

Đỗ Hoà Thanh (Cầu Giấy - Hà Nội)

Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh

Bộ luật Hình sự năm 2009 quy định tại Điều 242 về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác để xử lý về mặt hình sự đối với những vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác trong lĩnh vực y tế. Trong vụ việc này hậu quả là rất nghiêm trọng vì thiệt hại là tính mạng con người. Dựa vào điều này có thể kết luận, nếu xác định bác sĩ trực tiếp cấp cứu cho nạn nhân đã vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh như sai sót trong chẩn đoán, thực hiện sai quy trình cấp cứu…; đồng thời kết quả giám định pháp y cho thấy rõ điều này thì đã đủ yếu tố để cấu thành tội phạm với bác sĩ trong vụ việc này. Theo đó, bác sĩ L đã thực hiện hành vi vi phạm về tội danh vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh theo Điều 242, Bộ luật Hình sự, mức cao nhất của khung hình phạt có thể lên đến 15 năm tù.

Nguyễn Thị Thanh (Đông Hà - Quảng Trị)

Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Nếu chưa làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của nữ sinh B thì chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự của bác sĩ L. Tôi cho rằng truyền dịch là một thủ thuật y tế đơn giản. Mặt khác, có thể việc B tử vong là do những yếu tố khách quan mà nguyên nhân là từ những biến chứng y khoa. Trong trường hợp này khó có thể xử lý hình sự đối với bác sĩ L mà chỉ có thể xử lý kỷ luật với bác sĩ này và yêu cầu bệnh viện hoặc phòng khám phải bồi thường thiệt hại cho những tổn thất cho gia đình nữ sinh B.

Hoàng Quốc An (TP Việt Trì - Phú Thọ)

Bình luận của luật sư 

Có thể thấy mọi hoạt động về khám, chữa bệnh đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người bệnh. Chính vì vậy, tại Bộ luật Hình sự cũng đã quy định rõ hành vi vi phạm các quy định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, các dịch vụ y tế mà gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe công dân sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Trong lĩnh vực y tế, mặc dù kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng tai biến lại có thể xảy ra rất bất ngờ, đột ngột. Do đó, việc truyền dịch làm sao cho an toàn, đảm bảo không tai biến, không dị ứng, sốc, nhiễm khuẩn, phù não, rối loạn điện giải lại là chuyện không phải ai cũng có thể kiểm soát.

Về nguyên tắc, việc truyền dịch phải được tiến hành ở các cơ sở y tế có cán bộ chuyên môn có dụng cụ và thiết bị xử lý các tai biến. Ngoài ra, cơ sở truyền dịch phải có đủ các điều kiện xử lý chống sốc để phòng sự cố. Người truyền dịch phải có trình độ chuyên môn. Điều quan trọng là người bệnh phải được theo dõi thật sát trong suốt quá trình truyền dịch, để khi xảy ra tai biến hay biến chứng sẽ được xử trí cấp cứu kịp thời. 

Hoạt động khám, chữa bệnh ở nước ta hiện nay được quy định bởi Luật Khám chữa bệnh năm 2009 và các văn bản quy phạm pháp luật về khám, chữa bệnh khác như Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27-9-2011…

Theo quy định tại Điều 73, 74 Luật Khám chữa bệnh năm 2009, khi xảy ra tai biến đối với người bệnh, để xác định được trách nhiệm của những người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì phải dựa vào kết luận của một Hội đồng chuyên môn - được thành lập bởi người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh nếu có yêu cầu giải quyết tranh chấp; hoặc nếu người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh không tự thành lập được thì đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp thành lập. Trong trường hợp vụ việc liên quan đến tai biến trong khám, chữa bệnh được giải quyết theo thủ tục tố tụng thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về y tế thành lập Hội đồng chuyên môn để tiến hành giám định.

Hội đồng chuyên môn xác định y, bác sĩ có sai sót về chuyên môn kỹ thuật khi đã thực hiện một trong các hành vi sau đây:

- Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh;

- Vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp;

- Xâm phạm quyền của người bệnh.

Trên cơ sở kết luận cuối cùng của Hội đồng chuyên môn sẽ xác định được có sai sót chuyên môn kỹ thuật hay không. Trong trường hợp xác định có xảy ra sai sót chuyên môn, kỹ thuật thì người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường thiệt hại theo Điều 76, Luật Khám bệnh chữa bệnh và Điều 610, Luật Dân sự hiện hành. Ngoài ra, trong trường hợp xác định có hành vi phạm tội thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác được quy định tại Điều 242, Bộ luật Hình sự hiện hành. 

Trong vụ việc này, để xác định nguyên nhân nữ sinh B bị tử vong thì cần thiết lập Hội đồng chuyên môn giải phẫu tử thi để làm rõ. Kết luận của cơ quan chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Nếu trong trường hợp nữ sinh B tử vong do bệnh lý nặng mắc phải hoặc do tai nạn trước đó mà không có liên quan đến việc truyền dịch của bác sĩ gây ra thì bác sĩ L không có lỗi.

Trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kết luận về nguyên nhân gây tử vong cho nữ sinh khi truyền nước là do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra thì bác sĩ L sẽ phải chịu trách nhiệm về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 242, Bộ luật Hình sự 1999. 

Ngoài ra theo Điều 30, Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật, trong đó mức phạt cao nhất có thể phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh gây tai biến cho người bệnh. Khoản 2, Điều 31, Nghị định 176/2013/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi không theo dõi tác dụng và không xử lý kịp thời tai biến do dùng thuốc ở người bệnh do mình trực tiếp điều trị và chỉ định dùng thuốc…

Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại, căn cứ vào Điều 618, Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra thì bác sĩ là người của bệnh viện phòng khám nên cơ sở này phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; sau khi đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại căn cứ theo quy định tại Điều 605, Bộ luật Dân sự, theo đó thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc bồi thường được hướng dẫn bởi khoản 1, Mục 1, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, theo đó người nhà nạn nhân có thể được bồi thường cho những thiệt hại về vật chất và tinh thần từ việc người thân bị chết.

Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 Luật sư Đoàn Mạnh Hùng 

(Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)