Tư vấn tâm lý học đường: Nhu cầu có thật
(ANTĐ) - Nhiệm vụ chính của phòng tư vấn tâm lý (TVTL) học đường cùng các tư vấn viên là tham gia vào việc phòng ngừa những khó khăn, thất bại trong học tập cũng như trong đời sống tinh thần của học sinh. Từ đó góp phần giúp cho học sinh giải tỏa được những khúc mắc trong đời sống, có thành tích tốt hơn trong học tập.
Thành lập phòng TVTL học đường - Đây là mô hình tốt, cơ bản giải quyết được những tâm tư, thắc mắc, bức xúc của học sinh không chỉ trong học tập mà còn trong các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, cha mẹ... Tùy mỗi sự việc, câu chuyện mà học sinh nêu lên, chuyên viên tư vấn sẽ tìm cách tìm hiểu, phân tích và từng bước góp ý khéo léo để tháo gỡ những khúc mắc trong lòng học sinh. Tuy nhiên, hiện đội ngũ tư vấn ở các trường không ổn định do hiện tại ngành giáo dục chưa có biên chế giáo viên tâm lý trong trường phổ thông.
Một số trường có kinh phí thì hợp đồng bán thời gian với chuyên viên tâm lý nhưng thù lao thấp, chuyên viên tư vấn làm việc chủ yếu vì lòng yêu nghề, một số trường thì sắp xếp giáo viên giáo dục công dân hoặc trợ lý thanh niên, đoàn, đội làm công tác này. Sở Giáo dục - Đào tạo dự kiến sẽ từng bước rà soát hiệu quả của các phòng TVTL học đường. Dự kiến trong thời gian tới, Sở sẽ yêu cầu tất cả các trường phổ thông đều phải có phòng TVTL vì đây là một trong những biện pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Trước một thực tế, rất nhiều những khúc mắc trong học tập, tâm sinh lý, trong mối quan hệ với thầy cô, gia đình, bạn bè… nếu không được điều chỉnh, giải tỏa kịp thời sẽ có nguy cơ dẫn đến những hậu quả khó lường. Vì vậy, những năm gần đây, nhiều trường học đã quan tâm thành lập phòng TVTL học đường nhằm góp phần tháo gỡ khúc mắc này. Nhắm trúng nhu cầu của học sinh, phòng TVTL học đường dần dần được các học sinh tin cậy tìm đến, không ít trường hợp tìm lại được ý nghĩa trong cuộc sống.
Không chỉ xoay quanh những vấn đề gai góc như mối quan hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh với gia đình, thầy cô, bạn bè… tất cả các học sinh đều có thể tìm đến phòng TVTL học đường để có cơ hội được trò chuyện và thấu hiểu. Trên cơ sở các buổi tư vấn, thầy cô sẽ tiến hành tổ chức các buổi dã ngoại, công tác từ thiện, tọa đàm hướng nghiệp, mở lớp kỹ năng sống, phương pháp học tập… Bắt nguồn từ những nhu cầu chính đáng của học sinh là được giãi bày, chia sẻ bấy lâu nay bị lãng quên, hiện nhiều trường THCS, PTTH đến cả các trường CĐ, ĐH đã thành lập phòng TVTL mà trong đó điển hình là trường THPT Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Nguyễn Tất Thành, Lê Quý Đôn, Đinh Tiên Hoàng...
Tuy nhiên, một thực tế diễn ra đến nay ở các trường học là việc mời chuyên viên tư vấn đến làm việc tại phòng TLTV học đường quả là điều không đơn giản đối với các trường công lập bởi tìm đâu ra khoản lương chi trả? Còn các trường có kinh phí cũng “đỏ mắt” tìm nguồn giáo viên tâm lý. Kể cả khi kinh phí lẫn nguồn nhân lực được đảm bảo, thì không ít trường lại đứng trước một bài toán: Đó là làm thế nào để phòng TVTL học đường đi vào hoạt động một cách hiệu quả?
Đoan Trang
Cần thời gian và lòng kiên nhẫn Ở l ứa tuổi của học sinh THCS, THPT cho đến cả không ít sinh viên CĐ, ĐH vẫn rơi vào tình huống tâm lý không ổn định, đôi khi các em tự trầm trọng hóa những vướng mắc của mình, dẫn đến dễ chán nản, buồn bực, stress kéo dài. Lúc này vai trò của những thầy cô giáo phụ trách phòng TVTL học đường thực sự rất quan trọng. Sự chia sẻ, tư vấn kịp thời của các thầy cô sẽ giúp các em tìm lại được ý nghĩa trong cuộc sống, tránh được những lầm lạc không đáng có. Để phòng TVTL học đường hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều học sinh, các thầy cô giáo cần dành thời gian và lòng kiên nhẫn để tạo cảm giác gần gũi với các em, khiến các em tin tưởng tâm sự những khó khăn, những nỗi niềm riêng tư, từ đó đưa ra những lời khuyên phù hợp, kịp thời, tránh được những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. Việc phát huy tác dụng của phòng TVTL học đường là một việc làm vô cùng cần thiết và ý nghĩa! Cô giáo Vũ Diệu Hương, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Du Mỗi thầy cô là một nhà tư vấn Mỗi thầy, cô giáo luôn phải là người biết tôn trọng, lắng nghe và giúp học trò của mình tự lực giải quyết khó khăn. Nguyên tắc này có thể và phải được áp dụng trong mọi hoạt động giáo dục. Nó không xa lạ gì trong môi trường giáo dục trên thế giới, nhưng còn mới lạ với chúng ta. Thực hiện được phương châm trên, nhà trường ngày càng tiến gần với lý tưởng giáo dục phải đạt đến. Đến nay dù chưa có một cuộc điều tra khoa học chính xác, nhưng những đổi mới về hoạt động TVTL trong các nhà trường là có thật, thiết thực và sâu sắc. Hoạt động tư vấn tâm lý học đường cần phải được triển khai rộng rãi để góp phần đem lại sự cải cách từ dưới lên mang đầy tính thuyết phục. Ở các nước không thể hình dung một ngôi trường mà không có phòng Tư vấn tâm lý hay phòng Công tác xã hội. Thành lập các phòng TVTL học đường tại các trường THCS, PTTH cho đến CĐ, ĐH là rất đáng hoan nghênh. Cô giáo Hứa Thị Kim, nguyên giáo viên trường Tiểu học Điện Biên Thay đổi mối quan hệ thầy trò Tiếp xúc, lắng nghe học sinh, tư vấn viên của trường phải đến với các em bằng cái “tâm” và cái “tình” để các em tin tưởng mà bộc bạch những khó khăn, những nỗi niềm riêng tư. Thầy cô phải biết trở thành những người bạn lớn của học sinh... Bởi, nguyên tắc cơ bản của TVTL học đường là lắng nghe. Không lắng nghe không còn là tư vấn. Và cách nhìn để tư vấn cho học sinh cũng nên có một số thay đổi. Đơn cử như học sinh cá biệt không còn phải đáng chỉ trích, mà là một nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh. Trong không ít trường hợp, cách giải quyết cuối cùng là giúp trẻ và gia đình tháo gỡ khó khăn về tinh thần cũng như vật chất! Học sinh trở nên ngoan ngoãn và phụ huynh lại gắn bó với trường hơn. Mỗi thầy cô giáo, phụ huynh học sinh không nên quên rằng mỗi bước đường tương lai của các em một phần do chúng ta quyết định. Thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội |