thay đổi phương thức thi hành án tử hình:

Từ pháp trường đến phòng tiêm thuốc độc (2)

ANTĐ - Việc chuyển từ xử bắn sang tiêm thuốc độc là phù hợp với xu hướng thực thi pháp luật của nhiều nước trên thế giới, được dư luận ủng hộ. Tuy nhiên, cách thức tiêm thuốc thế nào? Lực lượng nào sẽ chuyên trách công đoạn này?

Bài 2: Chọn lọc để tiếp thu, chuẩn hóa

3 chọn 1

Trước thời điểm ngày 1-7, cách thức tiêm thuốc độc đối với các bị án tử hình đã được cơ quan chức năng Trung ương gợi ý một số cách thức để lấy ý kiến đóng góp của các địa phương. Phương án 1 là xây dựng mỗi công an địa phương một nhà thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Quỹ đất xây dựng nhà thi hành án tử hình do công an địa phương tự bố trí.

Phương án 2 là trang bị nhà Panel lắp ghép di động làm nhà thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cho 9 đơn vị theo 9 khu vực thuộc công an 63 tỉnh, thành phố. Ngoài ra có một phương án gợi ý là nhiều công an tỉnh, thành phố có vị trí địa lý gần nhau có thể lập một cụm - khu để thực thi việc tiêm thuốc độc. Mỗi cụm - khu sẽ có 1 cụm - khu trưởng làm đại diện. Việc xây dựng công trình để tiến hành tiêm thuốc độc đối với bị án sẽ được đặt tại địa phương do cụm - khu trưởng quản lý.

Từ pháp trường đến phòng tiêm thuốc độc (2) ảnh 1 

 Phòng tiêm thuốc độc ở Texas, Mỹ

Đóng góp ý kiến cho đề án gợi ý nêu trên, mới đây, Công an Hà Nội đã hoàn tất bản dự thảo, trong đó bày tỏ quan điểm: “Để đảm bảo tính chủ động, thuận tiện cho công an các địa phương thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, CATP Hà Nội chọn phương án 1, tức là xây dựng mỗi công an địa phương một nhà thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, quỹ đất xây dựng nhà thi hành án tử hình do công an địa phương tự bố trí”.

Luận cứ của quan điểm này là việc lựa chọn phương án này tuy có tốn kém về kinh phí, nhưng đảm bảo thuận lợi cho việc tổ chức thi hành án cũng như thuận tiện cho Hội đồng thi hành án tử hình, có tính ổn định cao, đầu tư tốn kém về kinh phí chỉ một lần, đảm bảo ANTT, có tính răn đe, giáo dục tội phạm và thể hiện sự uy nghiêm của pháp luật. Phương án  2 cũng có ưu điểm là tiết kiệm được kinh phí xây dựng, tính cơ động.

Nhưng vẫn có không ít nhược điểm, như phải xây dựng nhà kho để bảo quản các vật liệu, phải đào tạo một đội ngũ cán bộ lành nghề để lắp ráp nhà lắp ghép, việc lắp ghép cũng mất nhiều thời gian. “Phương án 2 mặc dù tiết kiệm kinh phí ban đầu nhưng thực tế lại rất tốn kém để vận chuyển, tốn kém về công sức CBCS trong việc vận chuyển lắp ráp, không có tính ổn định lâu dài...”, bản dự thảo đóng góp ý kiến của Công an Hà Nội nêu rõ. Việc sớm thống nhất, ban hành phương thức, mô hình để thi hành các bản án tử hình là yêu cầu cấp thiết đặt ra.

Cần sự vào cuộc của ngành Y tế

Trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an cho biết, đề án tiêm thuốc độc với tử tù đã được nghiên cứu kỹ, có tiếp thu, có chọn lọc pháp luật, kinh nghiệm của nước ngoài, phù hợp với xu thế chung về thi hành án hình sự của các nước trên thế giới và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Theo đó, người bị thi hành án tử hình ít bị đau đớn, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn.

Việc này cũng khắc phục những khó khăn, bất cập trong thi hành án tử hình bằng xử bắn thời gian qua như về pháp trường tổ chức thi hành án; về áp lực tâm lý với cán bộ trực tiếp thi hành án và thân nhân người bị thi hành án... Theo Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực từ ngày 1-7, trước khi bị đưa ra thi hành án tử hình, người chấp hành án được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân.

Một trong những điểm mới của Luật này là nếu thân nhân hoặc đại diện của tử tù có nhu cầu nhận tử thi về an táng thì phải làm đơn gửi chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm. Trên cơ sở xem xét, chánh án sẽ đồng ý hoặc khi không có căn cứ cho rằng việc nhận này ảnh hưởng đến ANTT, VSMT. Việc giao nhận tử thi sẽ được thực hiện trong 24 giờ kể từ khi thông báo. Hết thời hạn trên mà người có đơn đề nghị không đến nhận thì cơ quan thi hành án hình sự có trách nhiệm an táng.

Vấn đề quan trọng còn lại là việc lựa chọn đội ngũ cán bộ - lực lượng làm công tác thi hành án tử hình. Chủ trương hiện nay đề xuất cán bộ Cảnh sát hỗ trợ tư pháp trực tiếp thi hành án tử hình: lấy tĩnh mạch, tiêm thuốc độc. Theo chỉ huy Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp - CATP Hà Nội, đề xuất trên là chưa hợp lý, bởi Cảnh sát hỗ trợ tư pháp không có chuyên môn kỹ thuật.

Có thể sau này, đội ngũ Cảnh sát hỗ trợ tư pháp sẽ được đào tạo thêm về chuyên môn lấy tĩnh mạch, tiêm thuốc độc, nhưng việc thi hành án tử hình trong một năm chỉ thực hiện đối với một số bị án, nên việc lấy tĩnh mạch và tiêm thuốc độc là không đảm bảo. “Hiệu quả nhất là phải có sự vào cuộc của cán bộ y tế”, chỉ huy Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp khẳng định.

Xu hướng chung trên thế giới.

Trong số gần 80 nước đang áp dụng án tử hình hiện nay thì có hơn 30 nước áp dụng hình thức tiêm thuốc độc. Trong khu vực châu Á, nhiều nơi cũng áp dụng biện pháp này như Thái Lan, Đài Loan. Riêng Trung Quốc có 2 biện pháp thi hành hình phạt tử hình đối với tử tội là xử bắn và tiêm thuốc độc. Hình thức xử bắn được áp dụng đối với các tội phạm đặc biệt nguy hiểm, cần răn đe phòng ngừa mạnh mẽ. Các trường hợp khác áp dụng hình phạt tiêm thuốc độc.

Còn tại Hoa Kỳ, nhiều tiểu bang đã áp dụng tiêm thuốc độc để thi hành án tử hình thay cho các biện pháp ghế điện, phòng hơi ngạt và một số biện pháp khác. Bản chất của biện pháp này là tiêm vào người tử tội một liều thuốc độc, thường gồm 3 loại: một để gây mê, một để cơ bắp và thần kinh ngưng hoạt động và một để làm cho tim ngừng đập. Thường các tử tội chết trong vòng từ 10 đến 15 phút sau khi bị tiêm thuốc độc.