- Quan chức Đài Loan ra Trường Sa bất hợp pháp
- Việt Nam kêu gọi giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông
- Báo An ninh Thủ đô nhận lá cờ Tổ quốc từ quần đảo Trường Sa

Phóng viên An ninh Thủ đô “selfie” cùng những người lính trẻ trên đảo An Bang
Giấc mơ 10 năm thành hiện thực
Cuối tháng 3-2016, khi đang ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chuẩn bị bay ra Hà Nội sau chuyến công tác, tôi nhận cú điện thoại từ đồng chí phụ trách ban, cùng câu hỏi: “Em có đi được Trường Sa không?”. Không mảy may dù chỉ 1 giây suy nghĩ, tôi trả lời ngay lập tức: “Có ạ”, mà còn chưa kịp biết chuyến đi sẽ diễn ra khi nào và trong bao lâu.
Cuộc gọi “định mệnh” ấy đã biến giấc mơ của tôi sau 10 năm công tác tại Báo An ninh Thủ đô bất ngờ trở thành hiện thực. Dù phải hơn 1 tháng sau mới lên đường, nhưng từ hôm đó trở đi, tôi háo hức đến nỗi hầu như đêm nào cũng mất ngủ. Thậm chí, tôi còn sửa soạn vali đồ đạc và hành lý những… nửa tháng trước ngày lên đường.
Tới địa bàn, đi cơ sở để lấy tin, bài, thực hiện phỏng vấn… vốn là chuyện rất đỗi bình thường với mỗi phóng viên. Thế nhưng khi “địa bàn” là một nơi đặc biệt như ở quần đảo Trường Sa, thì cảm xúc trong mỗi người làm báo hẳn sẽ cuộn trào mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Phóng viên chuyển tận tay các cháu thiếu nhi đảo Trường Sa Lớn cuốn sách bổ ích, lý thú từ tủ sách của Báo ANTĐ
Sau khoảng 2 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi cũng ra được với đảo Trường Sa lớn, là trái tim, là Thủ đô của Huyện đảo Trường Sa. Bao mệt nhọc của hải trình dài tan biến hết khi tôi được đặt chân lên vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tác nghiệp ở Trường Sa mang lại cảm xúc đặc biệt, đó là cảm giác lâng lâng và tự hào khi vác máy ảnh, máy quay trên đảo; tham dự Lễ chào cờ thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió, mắt nhòe lệ, gai người khi nghe những lời thề dân tộc vang lên hào hùng như sóng dậy; gặp từng người chiến sĩ làn da sạm lại vì nắng gió nhưng vẫn thường trực nụ cười lạc quan trên môi; gặp từng người dân tần tảo, kiên cường bám biển, hay từng đứa trẻ ngoan ngoãn, ngây thơ giữa trùng trùng sóng nước biển khơi…
Phát huy tinh thần của người chiến sỹ
Trước tôi, cũng có nhiều anh chị, phóng viên của Báo An ninh Thủ đô đã có được cơ hội đến với Trường Sa. Dù ở mảng công việc nào, là phóng viên nội chính, kinh tế, văn hóa hay là thể thao… thì tác nghiệp ở Trường Sa cũng là một kỷ niệm để đời mà ai cũng đều trân quý. Sau mỗi chuyến đi như vậy, là cảm xúc hạnh phúc vì đã làm hết mình, cùng những bài viết, những hình ảnh, thước phim ưng ý để truyền tải tới bạn đọc những câu chuyện, những phận đời chân thực và sinh động của đồng bào và chiến sĩ ở Trường Sa.
Tôi còn nhớ như in lời dặn dò của Đại tá Đào Lê Bình – nguyên Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô trong những ngày đầu khi tôi về công tác ở Báo. Ông nói với chúng tôi như trò chuyện với những đứa con của mình: “Các con dù là phóng viên, nhưng đang làm trong một cơ quan báo chí của ngành công an. Các con phải luôn ý thức rằng mình cũng là một người chiến sĩ, thể hiện lòng yêu nước, yêu Tổ quốc, chiến đấu với cái xấu bằng vũ khí là ngòi bút của mình…. ”.
Và trong chuyến công tác Trường Sa tháng 5-2016 vừa qua, một lần nữa tôi lại thấm thía lời dặn ấy, khi hình ảnh những người lính tuổi đời vừa tròn đôi mươi, trong đêm mơ vẫn gọi “mẹ ơi”… nhưng luôn hiên ngang, kiên cường ngày đêm đứng giữa nắng gió, giông tố để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đã là động lực, là điểm tựa to lớn cho những phóng viên như tôi nỗ lực, phấn đấu để phát huy hơn nữa tinh thần của những “người chiến sĩ” ở trong mình.