Trường chuyên “quên” mục tiêu đào tạo nhân tài

ANTĐ - Đáng lẽ phải là nơi phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, phát triển năng khiếu của các em trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện để đào tạo thành nhân tài của đất nước thì nay mục tiêu của các trường chuyên chỉ dừng lại chủ yếu ở vấn đề thi đỗ đại học.

Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - TP.HCM trong giờ thực hành thí nghiệm

Vào trường chuyên để “chắc chân” 

Đánh giá về hoạt động thực tế so với mục tiêu đặt ra, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, các trường chuyên đang đặt nặng vấn đề đáp ứng yêu cầu của phụ huynh và học sinh với mục tiêu trước mắt là thi đỗ đại học thay vì chú trọng phát triển năng khiếu của các em để bồi dưỡng thành nhân tài.

Một phụ huynh có con học ở trường chuyên THPT Nguyễn Huệ, Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Tôi cho con vào trường chuyên vì muốn con mình được học hành trong một môi trường giáo dục tốt cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và mặt bằng học sinh. Đây là môi trường hứa hẹn một cách chắc chắn để con mình đỗ đại học vào những ngành nghề định hướng của gia đình chứ không mong con phải có giải thưởng quốc gia, quốc tế rồi trở thành nhân tài gì cả!”.

Cũng theo ghi nhận của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh) cho thấy, đa số phụ huynh, học sinh chuyên Toán, chuyên Lý, chuyên Hóa… của trường đều chọn thi vào các ngành y dược, kinh tế, ngoại thương mà không em nào chọn đi theo con đường nghiên cứu khoa học. Còn Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình) Phạm Văn Đằng chia sẻ, nhiệm vụ số 1 của các trường chuyên là phát hiện và bồi dưỡng những em có năng khiếu ở một số môn, nhưng bên cạnh đó cũng phải đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Nếu học sinh không thi đỗ đại học, chẳng ai vào học trường chuyên. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại nhiều trường chuyên, nhiệm vụ sau lại đang lấn át nhiệm vụ đầu tiên. Học sinh thi vào trường chuyên chỉ để nhằm thi đỗ Đại học. 

Xu hướng “hai trong một”

Với thế mạnh đào tạo học sinh sáng tạo, hội nhập, bà Lê Thị Oanh, Phó hiệu trưởng trường chuyên Hà Nội   Amsterdam cho rằng mục tiêu mà trường này đang theo đuổi là vừa đảm bảo chất lượng giáo dục mũi nhọn, vừa đáp ứng giáo dục toàn diện và có hướng tiệm cận quốc tế. Chính vì vậy, bà Lê Thị Oanh cho rằng, đề xuất của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cần xây dựng mô hình giáo dục kép trong trường chuyên, bao gồm hệ chuyên nhằm đào tạo tài năng kiệt xuất và hệ đào tạo chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội là cần thiết. Với đề xuất này các trường chuyên sẽ được phân định rõ ràng về cơ chế quản lý, tài chính. Ngân sách nhà nước sẽ được tập trung cao cho đối tượng học sinh có tài năng thực sự, còn với học sinh có điều kiện tham gia hệ chất lượng cao với mục tiêu thi đỗ đạo học thì phải chấp nhận đóng học phí cao đảm bảo chi phí của nhà trường cũng như góp phần bổ sung kinh phí cho hoạt động đào tạo tài năng của trường chuyên.

Khẳng định trở thành nhân tài và thi đỗ đại học là hai mục tiêu hoàn toàn khác nhau, ông Đào Trọng Thi cho rằng, muốn phát triển trường chuyên cần 3 yếu tố: kiên trì với mục tiêu phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo nhân tài, đồng thời vẫn phải đáp ứng được nhu cầu của học sinh và phụ huynh là thi đỗ đại học và bảo đảm thu nhập cho đội ngũ giáo viên để họ chuyên tâm theo đuổi mục tiêu đào tạo. Bởi vậy, việc phải hình thành hệ đào tạo kép trong trường chuyên đang được đoàn giám sát  báo cáo Ủy ban Thường Vụ Quốc hội để đề xuất cơ chế hoạt động hiệu quả với hệ thống trường chuyên hiện nay.