Trung thu 2019: : Cho trẻ chơi gì thú vị?

ANTD.VN - Tết Trung thu hay còn được gọi với cái tên Tết Thiếu nhi, là dịp trẻ em vui chơi, nô đùa, là ngày đặc biệt mà các bậc phụ huynh dành tình cảm cho con mình thông qua các mâm cỗ đêm rằm. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể cho trẻ tham gia vào rất nhiều hoạt động xã hội khác, nhằm phát triển trẻ một cách toàn diện.

Lễ hội rước đèn ngày Tết Trung thu (Ảnh: Báo Đầu Tư)

Tết Trung thu được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm. Theo phong tục của người Việt, trong ngày này, các gia đình làm cỗ cúng ông bà tổ tiên, và không quên một mâm cỗ nhỏ cúng các vị thần, thiên địa đặt ngoài sân. Mâm cỗ bao gồm hoa quả, bánh kẹo và một loại bánh không thể thiếu đó là bánh trung thu. Mâm cỗ bày ngay ngắn, nghiêm trang ngoài sân. Trẻ em nô đùa và sau khi người lớn tiến hành các nghi lễ cúng bái xong thì các bạn nhỏ thưởng thức những món ăn trên mâm, hay còn gọi là “phá cỗ”.

Nguồn gốc của Tết Trung thu

Tết Trung thu của người Việt một phần ảnh hưởng từ phong tục của người dân Trung Quốc. Và câu chuyện lưu truyền trong dân gian liên quan đến ngày tết dành cho thiếu nhi chính là về nhà vua Đường Minh Hoàng (713 – 741 Tây Lịch).

Vào đêm rằm tháng 8, nhà vua dạo chơi trong vườn Ngự Uyển để ngắm nhìn thiên nhiên và tận hưởng không khí mát mẻ. Trăng tròn, sáng, trong. Đúng lúc đó, nhà vua gặp đạo sĩ La Công Viễn. Người này đưa nhà vua lên cung trăng chơi. Cảnh sắc, không gian huyền diệu nơi đây đã khiến cho nhà vua lưu luyến mãi. Khi trở về, cứ vào ngày rằm tháng 8 hàng năm, nhà vua lại ra lệnh cho người dân tổ chức rước đèn, bày tiệc ăn mừng.

Phong tục rước đèn, phá cỗ ra đời từ đó và được lưu truyền trong dân gian đến tận ngày nay. Trước ngày đặc biệt này, người ta còn mua sắm, chuẩn bị khá nhiều thứ để bày biện mâm cỗ, và không quên những món đồ chơi, những chiếc bánh trung thu ngọt vị cho trẻ nhỏ.

Ý nghĩa ngày Tết Thiếu nhi

Tết Trung thu là tết của người lớn, tổ chức tiệc, rước đèn và vui chơi. Nhưng dần dần thì đây là dịp dành cho trẻ em, tuy nhiên người lớn cũng có những vị trí quan trọng trong ngày đó.

Mâm cỗ độc và lạ dành cho các bạn nhỏ ngày Tết Thiếu nhi

Tết Trung thu là nét đẹp trong phong tục của người Việt. Mâm cao, cỗ đầy với những thức đồ ngon ngọt, đủ vị như: bánh Trung thu, kẹo, bưởi, mía… thể hiện được sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái. Đây là dịp để các bạn nhỏ hiểu thêm được tình cảm của cha mẹ, giúp cho sợi dây liên kết trong mỗi mái ấm thêm bền chặt hơn.

Tình cảm còn được thể hiện từ phía con cháu đối với những người bậc trên, khi dịp Tết Trung thu, họ mua các loại trà, rượu, bánh Trung thu để kính tặng. Đó là sự trân quý, kính trọng, lòng biết ơn bậc sinh thành, những người dạy dỗ. Không kéo dài như dịp Tết Nguyên Đán, nhưng ngày Tết Trung thu cũng được coi là cơ hội quý báu, tụ họp gia đình, bạn bè và người thân ở mỗi nơi xa xôi cùng trở về nhà.

Những hoạt động vui chơi cho trẻ ngày rằm tháng 8

Tết Trung thu sẽ thật trọn vẹn và tròn đầy khi cha mẹ cho các con mình tham gia các hoạt động giải trí. Đây được coi là dịp giúp các bé thay đổi không gian sống, học tập, để từ đó phát triển bản thân hơn nữa.

Thi làm mâm cỗ đẹp trong dịp Trung thu

Một số hoạt động có thể kể đến như: rước đèn ông sao, thi cỗ, thi đèn, xem múa lân, … Trong đó, hoạt động rước đèn diễn ra vào đêm 14, hoặc đêm rằm tháng 8 tùy vào từng địa phương. Các bạn nhỏ nô nức, xếp hàng và cùng nhau đi khắp các ngõ xóm để thưởng trăng một cách vui vẻ nhất. Hay như việc tổ chức các cuộc thi làm mâm cỗ trung thu. Trẻ sẽ được thỏa sức sáng tạo, tự trang trí thành các mâm cỗ to và đẹp. Đặc biệt là việc thưởng thức các chương trình múa lân tạo cho dịp Tết Thiếu nhi ý nghĩa hơn.

Tết Trung thu là dịp quan trọng trong năm, dành cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Đây là dịp thể hiện tình cảm gia đình, tình yêu con trẻ của cha mẹ thông qua những điều đặc biệt, hoạt động tích cực mang đến cho chúng.