Trung Quốc tạo điều kiện tư nhân hóa CNQP

Theo báo chí Trung Quốc, việc cho phép các công ty tư nhân tham gia vào tổ hợp công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã giúp nước này giảm được việc nhập khẩu vũ khí.

(ĐVO) Tiềm năng quân sự càng phát triển thì họ càng ít lệ thuộc vào vũ khí nhập khẩu. Theo số liệu của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Stockholm SIPRI, trong giai đoạn từ 2007-2011, lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc giảm 58%, giúp nước này tụt xuống vị trí thứ 4 trong số những nước dẫn đầu về mua vũ khí trên thế giới.

Vào những thập niên của thế kỉ trước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chủ trương hiện đại hóa các tổ hợp quốc phòng. Điều này khiến cho sản lượng ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc tăng mạnh. Bước tiếp theo của quá trình hiện đại hóa quân sự là Trung Quốc cho phép các công ty tư nhân tham gia vào tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Tháng 7/2012, Bắc Kinh tuyên bố thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Theo đó, những nhà đầu tư tư nhân (tại lục địa) và các công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng phải chịu những quy định như nhau về việc cấp giấy phép và đóng thuế. Họ cũng có thể được tham gia vào việc chế tạo, sản xuất vũ khí và tái cơ cấu các công ty quốc phòng của nhà nước.

Dù vậy, các công ty như Nhà máy đóng tàu quốc gia Trung Quốc CSSC, Tổ hợp xây dựng hàng không AVIC, Tổ hợp công nghiệp vũ trụ hàng không Trung Quốc CASIC sẽ là những nhà cung cấp vũ khí chính cho Quân đội Trung Quốc. AVIC đang có dự định tăng doanh thu lên 4 lần, từ 39,7 triệu USD (2011) lên 158,6 triệu USD (2020). Trong những năm tới, có khoảng 80% những tổ hợp hoạt động hiệu quả sẽ tham gia sàn chứng khoán. Cũng theo bản báo cáo, tổng số vốn của 10 tổ hợp quốc phòng lớn nhất Trung Quốc hiện nay vào khoảng 317,2 triệu USD. 70 công ty con thuộc những tổ hợp này đã tham gia sàn chứng khoán, trong đó 40 công ty hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng.

>> Tư nhân mang lại 'luồng gió mới' cho ngành chế tạo súng Nga

Hiền Thảo (theo VZ)