Trung Quốc lại rêu rao: “Không có gene bá quyền”

ANTĐ - Theo ông Lý Minh Giang, Giáo sư trường S. Rajaratnam, Singapore, những luận điệu của Chủ tịch
 Trung Quốc “khó mà thuyết phục các nước láng giềng”, bởi “những gì Trung Quốc đang làm khác với những gì họ nói”.
Trung Quốc lại rêu rao: “Không có gene bá quyền” ảnh 1
Tàu Trung Quốc ra sức đâm tàu Việt Nam 
trong khi họ “muốn tìm kiếm hòa bình”?!

Tại buổi tiếp lãnh đạo Ấn Độ và Myanmar hôm 28-6 ở Bắc Kinh nhân kỷ niệm 60 năm ngày ký hiệp định thiết lập 5 nguyên tắc chung sống hòa bình giữa Trung Quốc với 2 nước này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói sẽ không bao giờ tìm cách áp đặt ý chí của nước mình lên các nước khác cho dù Trung Quốc có mạnh như thế nào đi chăng nữa.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình cho biết: 5 nguyên tắc chung sống hòa bình ra đời ở châu Á, bởi vì nó kế thừa truyền thống và tư tưởng hòa bình các dân tộc châu Á. Dân tộc Trung Hoa đã luôn luôn ủng hộ các tư tưởng “hòa vi quý”, “hòa nhưng không tan”, “bang giao hòa bình”, “bác ái, không công kích”…

Cũng theo nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc, các nguyên tắc cơ bản của chung sống hòa bình đã trở thành quy chuẩn cơ bản của quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế, nó phù hợp với tất cả các mối quan hệ giữa các quốc gia, không phân biệt chế độ xã hội,  trình độ phát triển hay quy mô lớn nhỏ.

“Trung Quốc sẽ kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình. Đi theo con đường này là một lựa chọn chiến lược của Trung Quốc, dựa trên xu thế phát triển của thời đại và lợi ích căn bản của riêng mình. Người dân Trung Quốc tán thành ý niệm “Những gì mình không muốn thì không áp đặt cho người khác“. Trung Quốc không chấp nhận lý thuyết “nước mạnh thì phải xưng bá“, trong huyết quản của người dân Trung Quốc không có gene xưng vương xưng bá hay quân phiệt”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Đối với những tranh chấp và khác biệt, theo Chủ tịch nước Trung Quốc, phải kiên trì thông qua đối thoại và giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tăng cường tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy an ninh, an toàn, không được sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực. Việc sử dụng vũ lực không phải là biểu hiện của sự lớn mạnh mà là biểu hiện thiếu đạo đức, thiếu tầm nhìn. 

Theo bình luận trên một số tờ báo nước ngoài, những lời phát biểu của ông Tập Cận Bình được đưa ra đúng thời điểm nhiều nước láng giềng đang bị đẩy vào tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc cũng như lo ngại vì chi phí cho quân sự của Bắc Kinh không ngừng tăng lên. Trong bài viết trên tờ SCMP, giáo sư Lý Minh Giang, Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore cho rằng, khi nói Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền dù có lớn mạnh đến đâu, ông Tập Cận Bình muốn thay đổi hình ảnh hung hăng của nước này. Tuy nhiên điều đó “khó mà thuyết phục các nước láng giềng”, bởi “có một cảm giác là những gì Trung Quốc đang làm khác với những gì họ nói”. Tờ The Washington Post cũng đăng bài viết với tiêu đề: “Tập Cận Bình nói muốn tìm kiếm hòa bình trong khi Trung Quốc đang tranh chấp lãnh thổ kéo dài”.