Trưng bày kho tư liệu quý về Mặt trận Việt Minh

ANTĐ - Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19-5-1941/19-5-2016), sáng 18-5, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (25 Tông Đản, Hà Nội) mở cửa trưng bày chuyên đề “Mặt trận Việt Minh – Đại đoàn kết dân tộc (1941 - 1951)”.

Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, thường gọi tắt là Mặt trận Việt Minh đã có nhiều đóng góp cho cách mạng Việt Nam qua từng chặng đường lịch sử.

Từ khi ra đời vào năm 1941, Mặt trận Việt Minh luôn giương cao ngọn cờ tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị để thực hiện mục tiêu cao nhất là giải phóng dân tộc.

Có thể nói, Mặt trận Việt Minh thực sự là biểu tượng sáng ngời của khối đại đoàn kết dân tộc, của tư tưởng Hồ Chí Minh về Mặt trận Dân tộc Thống nhất.

Mặt trận Việt Minh đã để lại cho Đảng nhiều bài học quý báu, được Đảng ta vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược và trong giai đoạn hiện nay, đại đoàn kết dân tộc vẫn là vấn đề mang tính thời sự có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Nhằm kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19-5-1941/19-5-2016), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Mặt trận Việt Minh – Đại đoàn kết dân tộc (1941 - 1951)” tập hợp những tư liệu, hiện vật quý để công chúng có cái nhìn rõ hơn về đại đoàn kết dân tộc dưới lá cờ Việt Minh.

Chuyên đề trưng bày gồm 4 phần: Bối cảnh lịch sử trước khi thành lập Mặt trận Việt Minh; Nguyễn Ái Quốc và sự thành lập Mặt trận Việt Minh; Mặt trận Việt Minh - ngọn cờ tập hợp, đoàn kết dân tộc (1941 – 1951) và Phát huy tinh thần của Mặt trận Việt Minh về đại đoàn kết dân tộc.

Tham quan gian trưng bày, công chúng có dịp chiêm ngưỡng những hiện vật quý như Cờ đỏ sao vàng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trao tại Hội nghị thành lập Mặt trận Việt Minh, 5-1941 tại khu rừng Pắc Pó, Cao Bằng; Súng ngắn của đồng chí Võ Nguyên Giáp dùng trong các trận Phay Khắt, Nà Ngần từ ngày 24 đến 25-12-1944, một số vũ khí như kích, mã tấu, dao, đầm... nhân dân sử dụng trong cao trào kháng Nhật cứu nước cùng các công văn, thư, truyền đơn...  được sử dụng trong giai đoạn 1945-1951... 

Chuyên đề được mở cửa từ ngày 18-5 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, số 25 Tông Đản, Hà Nội.

Cờ Đội Việt Nam Giải phóng quân đã sử dụng khi đánh chiếm Thái Nguyên năm 1945

 Trưng bày kho tư liệu quý về Mặt trận Việt Minh ảnh 2

Đề cương về Văn hóa Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 3-1943

 Trưng bày kho tư liệu quý về Mặt trận Việt Minh ảnh 3

Hang Lùng Đán, xã Tân Lập, Bắc Sơn, Lạng Sơn - nơi luyện tập của đội Cứu quốc quân I, trong những năm 1943 - 1944

 Trưng bày kho tư liệu quý về Mặt trận Việt Minh ảnh 4

Vali mà Bác dùng tại hang Pác Bó, Cao Bằng năm 1941 khi chuẩn bị cho sự thành lập Mặt trận Việt Minh

 Trưng bày kho tư liệu quý về Mặt trận Việt Minh ảnh 5

Điều lệ các tổ chức Việt Minh

 Trưng bày kho tư liệu quý về Mặt trận Việt Minh ảnh 6

Báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, số ra ngày 10-2-1942

 Trưng bày kho tư liệu quý về Mặt trận Việt Minh ảnh 7

Tiền nhân dân đóng góp để mua sắm vũ khí chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa năm 1945

Trướng do Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam tặng Tổng bộ Việt Minh năm 1950

Bát ăn cơm, bát tô đồng chí Võ Nguyên Giáp dùng tại nhà đồng chí Công Lý ở Nguyên Bình, Cao Bằng những năm 1942-1943.