Trò chuyện cùng 5 người lính cứu hỏa Hà Nội vừa trở về sau hành trình cứu người ở Thổ Nhĩ Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 10 ngày xuất quân tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về nước. Phóng viên An ninh Thủ đô đã có hơn 3 giờ trò chuyện với 5 cán bộ Cảnh sát PCCC&CNCH CATP Hà Nội – những người đã tham gia cứu sống 1 nạn nhân như phép màu sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

Video: Nụ hôn ấm áp người dân Thổ Nhĩ Kỳ tặng người lính PCCC&CNCH Công an thành phố Hà Nội

Đồng đội trong đơn vị gọi 5 đồng chí vừa trở về ấy là “Đội Swat” hay “Đội Thổ Nhĩ Kỳ” một cách thân thương với ý nghĩa là những người lính tinh nhuệ nhất. Nhưng họ tâm sự rằng, mình chỉ là những người lính bình thường, như bao đồng chí, đồng đội khác...

Họ là: Thượng úy Nguyễn Văn Đức (32 tuổi); Thượng úy Vũ Trung Hiếu (32 tuổi) Đội Công tác chữa cháy, Hà Nội; Đại úy Đỗ Hữu Hiến (34 tuổi) Đội Chữa cháy và CNCH Khu vực số 2; Thượng úy Lê Quang Đạo (28 tuổi) Đội Chữa cháy và CNCH khu vực số 4; Thượng úy Nguyễn Duy Tuấn (31 tuổi) Đội Chữa cháy và CNCH Khu vực số 5. Tất cả đều đã gắn bó với công tác cứu hộ cứu nạn ít nhất gần 10 năm trở lên.

5 cán bộ chiến sỹ PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội từ trái qua: Thượng úy Vũ Trung Hiếu, Thượng úy Nguyễn Duy Tuấn, Thượng úy Nguyễn Văn Đức, Thượng úy Lê Quang Đạo, Đại úy Đỗ Hữu Hiến

5 cán bộ chiến sỹ PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội từ trái qua: Thượng úy Vũ Trung Hiếu, Thượng úy Nguyễn Duy Tuấn, Thượng úy Nguyễn Văn Đức, Thượng úy Lê Quang Đạo, Đại úy Đỗ Hữu Hiến

Thần tốc và thần tốc…

Thượng úy Lê Quang Đạo nhớ lại, 10h sáng ngày 9-2, anh được triệu tập lên đơn vị và nghe đồng chí Trưởng phòng thông báo dự kiến 22h đêm sẽ bay sang Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng các đồng đội, Thượng úy Đạo tất bật chuẩn bị lên đường. Hơn 2 tấn thiết bị chuyên dụng được kiểm tra kỹ càng. Thượng úy Vũ Trung Hiếu không kịp vào thăm con đang nằm viện… cả 5 người họ, không ai kịp ghé qua nhà.

Thượng úy Nguyễn Duy Tuấn chia sẻ: “Chúng tôi chỉ kịp gọi điện thông báo cho người thân. Gia đình rất lo lắng trước những hình ảnh khủng khiếp trên báo đài. Càng lo vì không biết liệu động đất đã hết hẳn chưa... Chúng tôi phải gạt đi và động viên gia đình yên tâm. Chúng tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ và trở về”.

“Vợ tôi trước từng tham gia làm nhiệm vụ ở bệnh viện dã chiến ở Nam Su Đăng nên cũng phần nào cũng hiểu việc hơn và khi tôi gọi điện về dù có lo lắng nhưng cũng động viên tôi rất nhiều”, Đại úy Đỗ Hữu Hiến chia sẻ.

Trả lời câu hỏi về việc chính có khiến các anh có lo lắng không, Thượng úy Nguyễn Văn Đức nói: “Chúng tôi lo lắng cho công việc là chính bởi không rõ hiện trường cụ thể ra sao, sẽ phải tổ chức cứu nạn thế nào. Chúng tôi lo 1 thì các đồng chí chỉ huy lo 10 bởi trách nhiệm làm sao đảm bảo công việc hiệu quả, an toàn nhất”.

Hiện trường đổ nát khu vực đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam tham gia cứu nạn ở thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ

Hiện trường đổ nát khu vực đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam tham gia cứu nạn ở thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ

4 ngày sau khi thành phố Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ rung chuyển bởi trận động đất kép, 5 cán bộ, chiến sĩ PCCC&CNCH CATP thuộc đoàn công tác cứu nạn quốc tế của Bộ Công an đã có mặt tại đây. Họ đã trải qua chuyến bay dài, tiếp tục di chuyển bằng xe ôtô thêm 9 tiếng nữa mới đến nơi, nhịn đói suốt 24 tiếng trong điều kiện giá lạnh.

Con đường 300 km từ sân bay đến khu vực cứu hộ là đoạn đường dài nhất với các chiến sỹ PCCC Hà Nội. “Đập vào mắt chúng tôi là cả một vùng rộng lớn tan hoang, tiêu điều như cảnh ngày tận thế trong các bộ phim viễn tưởng. Tất cả là những không gian tưởng chừng dài vô hạn những ngôi nhà đổ sụp, những bức tường nứt toác. Anh em hiểu rằng, phần việc phía trước sẽ rất vất vả, nguy hiểm. Không ai bảo mà chúng tôi cùng tự nắm chặt tay mình như quyết tâm không để sợ hãi, khó khăn khuất phục”, Thượng úy Vũ Trung Hiếu nhớ lại.

Đến vị trí cứu nạn cứu hộ, là khu vực trung tâm nguy hiểm, không ai được đến gần. Đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng cứu hộ quốc tế thực hiện việc cứu nạn cứu hộ tại một khu vực đổ nát có 15 người bị vùi lấp trong điều kiện thời tiết -6 độ C.

2h sáng ngày 10-2, khi vừa đến nơi, đoàn công tác bắt tay ngay vào việc. 1 nhóm khẩn trương dựng lều trại, triển khai thiết bị, 1 nhóm nhanh chóng khảo sát hiện trường. 4 tiếng sau, những người lính PCCC&CNCH Việt Nam bắt đầu công tác cứu nạn, cứu hộ…

Những kỷ vật được đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam tìm thấy ở hiện trường cũng được trao tận tay thân nhân người bị nạn

Những kỷ vật được đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam tìm thấy ở hiện trường cũng được trao tận tay thân nhân người bị nạn

Đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam thâu đêm thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn

Đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam thâu đêm thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn

Phép màu trong đống đổ nát

Thượng úy Vũ Trung Hiếu nhớ lại: “Ngoài việc đánh giá nhanh tình trạng nguy hiểm ở hiện trường, chúng tôi trao đổi với người dân trong khu vực và biết có nạn nhân vẫn nằm dưới đống đổ nát, nhưng chưa nắm rõ nằm ở đâu, tình trạng ra sao.

Chúng tôi trực tiếp trinh sát hiện trường, tính toán mọi khả năng, tìm góc nghiêng, nơi có khoảng không để tìm kiến nạn nhân với thời gian nhanh nhất để cứu người. Hiện trường lúc đó, tòa nhà ở giữa đã sập hoàn toàn, 2 tòa nhà 2 bên biến dạng nặng, nhiều chỗ 2 mảng bê tông to chỉ còn được nối với nhau bằng 1 thanh sắt mỏng manh. Công việc phải triển khai chính xác nhất nếu không sẽ sụp đổ thứ cấp rất nguy hiểm cho các lực lượng cứu hộ và nạn nhân…”.

Thượng úy Nguyễn Duy Tuấn cho biết, trong ngày 11-2, lực lượng cứu hộ Việt Nam sử dụng thiết bị chuyên dụng để dọn dẹp sạch hiện trường, loại bỏ các yếu tố gây nguy hiểm và gây sập thứ cấp. Khoảng 6h30 sáng 12/2 (giờ Việt Nam), qua hệ thống radar, camera dò tìm, đoàn công tác phát hiện dấu hiệu của sự sống trong khu vực bị sập đổ.

Hình ảnh đổ nát sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Hình ảnh đổ nát sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

Đoàn Việt Nam đã đã triển khai ngay công tác chèn chống, tạo khoảng không, nhanh chóng xác định vị trí gần nhất để tiếp cận nạn nhân, đội cứu hộ tiếp tục tiến sâu thêm 6m từ vị trí được phá dỡ theo một đường hẹp chỉ đủ một người chui vào. Những âm thanh của nạn nhân rõ dần, đội cứu hộ đã bình tĩnh giao tiếp với nạn nhân và hy vọng được nhen nhóm khi có tiếng hồi đáp của nạn nhân.

Kết quả, Đội cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp với Đoàn cứu nạn của Pakistan cứu sống một thiếu niên 17 tuổi sau nhiều ngày bị vùi lấp dưới đống đổ nát tại hiện trường tòa nhà đổ nát trên đường 531, Adiyaman Merkez, thành phố Adiyaman.

“Từ đống đổ nát, một thiếu niên được đưa ra ngoài trong niềm vui vỡ òa của tất cả cán bộ chiến sĩ cứu nạn. Cảm xúc lúc đó vỡ òa. Một niềm vui, hạnh phúc không gì tả nổi. Đó thực sự là phép màu”, Thượng úy Nguyễn Duy Tuấn chia sẻ.

Cứ như vậy, đoàn cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam làm việc liên tục, mỗi điểm cứu hộ sau khi được nước bạn xác định không còn nạn nhân, đoàn lại chuyển sang điểm khác.

“Tôi và đồng đội đều rất xúc động khi bắt gặp hình ảnh những người dân đứng đợi lực lượng cứu hộ bên cạnh các ngôi nhà bị sập. Những ánh mắt mong chờ, gửi gắm lực lượng cứu hộ tới giải cứu người thân đang mắc kẹt bên trong. Chúng tôi chỉ biết nỗ lực hết mình, mỗi lúc mệt mỏi lại tự nhủ phải cố thêm, cố thêm", Đại úy Hiến nhớ lại.

Tình cảm ấm áp của trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ với những người lính PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội

Tình cảm ấm áp của trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ với những người lính PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội

“Chúng tôi là người lính PCCC &CNCH”

2 ngày đầu, đoàn cứu hộ Việt Nam chia ba ca làm việc thâu đêm trong cái lạnh -6 độ C. Sau đó đoàn duy trì hai ca làm việc, mỗi ca khoảng 7-8 tiếng. Ca đầu bắt đầu từ 7h cho đến khoảng tầm 3-4 giờ chiều. Ca sau làm việc từ 4 giờ chiều đến khoảng 1 giờ sáng.

Mỗi ngày, thành viên trong đoàn chỉ ăn 2 bữa, chủ yếu là mì tôm, đồ hộp, lương khô. Họ chỉ có nước uống, do nguồn nước trong khu vực đã mất. Không ai được tắm. Sau mỗi ca làm việc, trở về lều trại, cả người họ lấm lem, mặt hằn đỏ những vết dây đeo khẩu trang. Họ tranh thủ nghỉ ngơi ngay để tiếp tục làm việc. Bởi họ biết, ngay phía sau họ, ở vùng đệm an toàn, rất nhiều người đang mong chờ thông tin…

“Rạng sáng 11-2, khi đang triển khai cứu nạn cứu hộ ở hiện trường có đợt dư chấn nhỏ, rung lắc rõ. Anh em cũng đã không còn choáng ngợp. Không ai hoảng hốt mà bình tĩnh di chuyển ra khu vực an toàn”, Thượng úy Nguyễn Văn Đức kể lại.

Ở khu vực cứu nạn cứu hộ, sóng điện thoại kém. Thành viên đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam chủ yếu nhắn tin về cho gia đình đỡ lo lắng. “Nhắn tin xong có lúc cả tiếng sau mới gửi được. Ở nhà chủ yếu hỏi có an toàn không, ăn uống được không? Chúng tôi ai cũng trả lời, ăn uống tốt, an toàn, gia đình yên tâm. Hơn nữa, đoàn công tác cũng liên tục gửi ảnh thông tin về, báo chí cập nhật liên tục. Dù không nhận ra ai trong ảnh do những bộ đồ bảo hộ cồng kềnh nhưng người thân ở nhà cũng yên tâm hơn”, Thượng úy Lê Quang Đạo nói.

Trong đống đổ nát khủng khiếp ấy, đoàn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam cũng đã đưa nhiều thi thể các nạn nhân ra ngoài. Những kỷ vật nhỏ như album ảnh gia đình cũng được trao tận tay người thân các nạn nhân.

“Mất mát của người dân Thổ Nhĩ Kỳ quá lớn. Chúng tôi cũng không biết làm gì hơn ngoài việc nắm tay họ thật chặt để chia buồn. Chúng tôi cũng trích một phần lương thực mang theo là lương khô, mì tôm để hỗ trợ người dân quanh khu vực thực hiện nhiệm vụ cứu hộ…”, Thượng úy Nguyễn Duy Tuấn kể lại.

Sau khi trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ những người lính cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội tiếp tục với công việc thường ngày

Sau khi trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ những người lính cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội tiếp tục với công việc thường ngày

Thượng úy Tuấn kể, khi đến thăm hỏi, người dân Thổ Nhĩ Kỳ khi biết đây là những cán bộ chiến sỹ Công an Việt Nam họ đều rất trân trọng, đặt tay lên ngực. Qua phần mềm google dịch trên smartphone họ viết: “Việt Nam anh hùng, người Việt Nam anh hùng”.

“Những em bé chạy đến ôm chầm lấy chúng tôi, những cụ già với cái ôm ấm áp. Tình cảm ấy là kỷ niệm không bao giờ chúng tôi quên”, Thượng úy Tuấn xúc động nói.

Ngay sau khi trở về, họ lại trở lại công việc thường ngày, với những bài tập thể lực chuyên biệt cho lính cứu hộ, cứu nạn. Gia đình, người thân họ giờ đã có những đêm an giấc.

Lần đầu tham gia công tác cứu hộ thảm họa động đất ở nước ngoài, trên một địa hình hoàn toàn xa lạ, đứng trước nhiệm vụ được giao, họ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ trở về và chắc chắn sẽ trưởng thành hơn rất nhiều cũng như sẵn sàng cho những nhiệm vụ mới như những “sứ giả hòa bình” đến từ Việt Nam...

“Đừng ai gọi chúng tôi là người hùng. Chúng tôi đơn giản chỉ là những người lính cảnh sát PCCC &CNCH”, Thượng úy Nguyễn Văn Đức nói...