Những sứ giả cứu nạn, cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và trở về từ tâm chấn động đất tại đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, nỗi ám ảnh trước cảnh hoang tàn, đổ nát, những ánh mắt biết ơn của người dân sở tại sẽ còn in mãi trong ký ức những người lính cứu hỏa Công an Hà Nội. Suốt gần 10 ngày làm nhiệm vụ quốc tế, các anh đã để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè thế giới.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an Việt Nam cùng các lực lượng làm nhiệm vụ nhân đạo quốc tế tại lều dã chiến ở tâm chấn động đất Thổ Nhĩ Kỳ

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an Việt Nam cùng các lực lượng làm nhiệm vụ nhân đạo quốc tế tại lều dã chiến ở tâm chấn động đất Thổ Nhĩ Kỳ

Tập trung cứu người bị nạn

Trong số 24 cán bộ, chiến sĩ được Bộ Công an lựa chọn, cử sang tâm chấn động đất Thổ Nhĩ Kỳ tham gia sứ mệnh nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn, CATP Hà Nội đã đóng góp những chiến sỹ trẻ, đầy nhiệt huyết và giàu kinh nghiệm. Đó là Đại úy Đỗ Hữu Hiến, Thượng úy Lê Quang Đạo, Thượng úy Nguyễn Duy Tuấn, Thượng úy Phạm Văn Đức, Thượng úy Vũ Trung Hiếu thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH. “Mặc dù trước đó tôi đã thấy hiện trường qua thời sự quốc tế đưa tin, nhưng khi đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ, nhìn đống hoang tàn, đổ nát, ngổn ngang bê tông sắt thép, tôi thực sự choáng váng về sự hủy diệt của thiên tai mà thành phố Adiyaman phải hứng chịu” - Thượng úy Lê Quang Đạo nhớ lại.

1h ngày 11-2-2023 (giờ Việt Nam), những người lính cứu hỏa Công an Hà Nội cùng Đoàn công tác cứu nạn quốc tế của Bộ Công an Việt Nam đã đến thành phố Adiyaman. Tại đây, Cơ quan Ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ phân công đoàn Việt Nam làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở một tòa nhà cao tầng đổ nát, nơi có 15 người bị vùi lấp. Tuyết rơi lạnh cóng, thỉnh thoảng mặt đất lại xuất hiện những dư chấn mạnh khiến từng tảng bê tông lăn xuống ngay dưới chân lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Thế nhưng cả đoàn không một ai nao núng, tất cả đều dốc sức chạy đua từng phút, từng giây để tìm kiếm sự sống. “Chúng tôi nhận thông tin là có 10 người bị vùi lấp. Với việc sử dụng thiết bị chuyên dụng của Việt Nam và sự hỗ trợ phương tiện cơ giới của nước bạn, chúng tôi đã tiến hành công việc từ 7h30 đến 18h30, dọn dẹp hầu như sạch hiện trường, loại bỏ các yếu tố gây nguy hiểm và gây sập thứ cấp. Qua camera dò tìm, đoàn đã phát hiện dấu hiệu của sự sống với 2 âm thanh khác nhau và dự đoán có 2 người còn sống sót trong khu vực sập đổ” - Thượng úy Phạm Văn Đức cho biết.

Đại tá Nguyễn Thành Long - Phó Giám đốc CATP Hà Nội đón 5 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH của CATP trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ

Đại tá Nguyễn Thành Long - Phó Giám đốc CATP Hà Nội đón 5 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH của CATP trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ

Khi tiến hành phá dỡ sâu vào phía trong khoảng 6m, đoàn Việt Nam phát hiện rõ dấu hiệu của nạn nhân bởi âm thanh dội ra nét hơn, những người lính cứu hỏa đã giao tiếp với nạn nhân bằng những câu chào, hỏi thăm sức khỏe “Hello”, “How are you?”... và có tín hiệu đáp lại của nạn nhân. Lúc đó, lực lượng cứu hộ của Pakistan làm việc ngay tòa nhà bên cạnh đã phối hợp dùng sóng siêu âm xác định chính xác vị trí nạn nhân và lên phương án với lực lượng của Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ cứu người bị nạn. Khoảng 22h10 ngày 11-2, các lực lượng đã đưa được một nạn nhân khoảng 14 tuổi ra khỏi đống đổ nát.

Linh hoạt trong mọi tình huống

Vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về cung cấp hậu cần, khí hậu khắc nghiệt, phải ngủ trong lều bạt, không có nơi tắm rửa, vệ sinh... với tinh thần “thương người như thể thương thân”, các cán bộ, chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ của Bộ Công an Việt Nam vẫn nỗ lực hết sức chạy đua với thời gian, chạy đua với tử thần để nỗ lực tìm kiếm người bị nạn. “Sau vị trí đầu tiên, chúng tôi nhận lệnh đến khu vực mới, nơi có khoảng 100 người bị vùi lấp. Đó là tòa C, chung cư Cinar Sitesi (gồm tòa 3 nhà) số 66 đường Kemalpasa, quận Cumhuriyet, thành phố Adiyaman. Chúng tôi làm việc liên tục từ 8h - 22h, có thời điểm đến hơn 1h sáng ngày hôm sau, đồng thời anh em phải chia ca để đảm bảo sức khỏe trong điều kiện làm việc rất khắc nghiệt” - Đại úy Đỗ Hữu Hiến chia sẻ. Đến khoảng 21h ngày 14-2 (giờ địa phương), lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm kiếm và đưa được 3 thi thể nạn nhân ra ngoài.

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an Việt Nam hỗ trợ thực phẩm cho người dân gặp khó khăn tại nơi động đất

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an Việt Nam hỗ trợ thực phẩm cho người dân gặp khó khăn tại nơi động đất

Mỗi giờ trôi qua là hy vọng tìm kiếm sự sống trong đống đổ nát rút ngắn lại. Nhưng tất cả vẫn tiếp tục thay phiên nhau làm việc xuyên đêm với hy vọng còn nước còn tát. Hơn 1 tuần xảy ra thảm họa, trong đống đổ nát đã bốc lên mùi tử khí nặng nề trong khi những cơn dư chấn động đất vẫn chưa dừng lại, những người lính cứu nạn, cứu hộ Công an Việt Nam vẫn đoàn kết và tuân thủ sự chỉ huy của cấp trên.

Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Trưởng đoàn tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho hay: “Tất cả các phương tiện chuyên dụng mang từ Việt Nam sang đều phát huy tốt tác dụng, đặc biệt là thiết bị dò tìm nạn nhân bằng sóng radar. Các thiết bị khác như kích thủy lực, cưa khoan cắt bê tông, bộ đàm chuyên dụng, bộ chống chèn công trình sập đổ, cáng chuyên dụng, mặt nạ dưỡng khí, máy phát điện… cũng phát huy rất tốt trong điều kiện làm việc khắc nghiệt tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, những kỹ năng sinh tồn khác cũng được Công an Việt Nam áp dụng sáng tạo, linh hoạt. Trong 1 tuần nỗ lực chạy đua với thời gian, những người lính cứu nạn cứu hộ đã cứu được 1 người sống sót và đưa 14 nạn nhân ra khỏi đống đổ nát giữa vùng tâm chấn thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hình ảnh người lính cứu hỏa Công an Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế bởi ý chí, sự đoàn kết, quyết tâm và kỹ năng làm nhiệm vụ ở địa hình khó khăn, nguy hiểm.

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Bộ Công an Việt Nam làm nhiệm vụ tại hiện trường

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Bộ Công an Việt Nam làm nhiệm vụ tại hiện trường

Còn đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ, khi kết thúc những ngày làm nhiệm vụ trở về, tại sân bay ở Istabul, một chủ nhà hàng đã bày tỏ tình cảm, tri ân các người lính cứu hỏa Công an Việt Nam bằng cách tặng những chiếc bánh mỳ kẹp nổi tiếng. Tất cả những vị khách trong nhà hàng khi biết những người lính cứu hỏa Công an Việt Nam vừa làm nhiệm vụ ở tâm chấn động đất đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay để cảm ơn các chiến sỹ.

“15h30 ngày 19-2 chúng tôi có mặt tại sân bay Nội Bài, kết thúc thời gian làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi trở về thăm vợ con, người thân, rồi tìm đến đồng đội để chia sẻ tự hào đã góp phần nhỏ bé vào sứ mệnh nhân đạo quốc tế của người lính cứu hỏa Công an Thủ đô” - Thượng úy Lê Quang Đạo cho biết.

Hình ảnh người lính cứu hỏa Công an Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế bởi ý chí, sự đoàn kết, quyết tâm và kỹ năng làm nhiệm vụ ở địa hình khó khăn, nguy hiểm. Còn đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ, khi kết thúc những ngày làm nhiệm vụ trở về, tại sân bay ở Istabul, một chủ nhà hàng đã bày tỏ tình cảm, tri ân các người lính cứu hỏa Công an Việt Nam bằng cách tặng những chiếc bánh mỳ kẹp nổi tiếng. Tất cả những vị khách trong nhà hàng khi biết những người lính cứu hỏa Công an Việt Nam vừa làm nhiệm vụ ở tâm chấn động đất đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay để cảm ơn các chiến sỹ.