Triển khai lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp: Thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân

ANTĐ - Ngày 8-1, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây được xác định là công tác trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong các tháng đầu năm 2013, là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Trước đó ít ngày, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chỉnh lý được công bố để lấy ý kiến nhân dân. 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều; sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới. Nguyên tắc của việc sửa đổi được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 xác định trên 9 nội dung cơ bản, trong đó nội dung quan trọng đầu tiên là tiếp tục thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, nội dung lấy ý kiến là toàn bộ Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 1992. Đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương. Thời gian lấy ý kiến kể từ 2-1 đến 31-3-2013. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tổng hợp ý kiến trình Quốc hội vào cuối tháng 5-2013.

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhấn mạnh, việc lấy ý kiến nhân dân nhằm tập hợp trí tuệ sâu rộng trong toàn dân, góp phần làm cho Hiến pháp phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp cũng là biểu hiện dân chủ, thể hiện quyền và vai trò làm chủ của nhân dân đối với các vấn đề quốc gia đại sự; tạo điều kiện người dân thể hiện các quan điểm, chính kiến về toàn bộ bản Hiến pháp nói chung cũng như từng điều khoản cụ thể. 

Để việc triển khai lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp thực chất, tạo được sự tham gia rộng khắp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị quá trình này phải được tiến hành thận trọng, khoa học, công khai, dân chủ. Đặc biệt, ý kiến của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, phải được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc.

Cũng tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đề nghị phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân khẩn trương, nghiêm túc, đúng tiến độ và hiệu quả.