Cảnh giác nguy cơ dịch chồng dịch

Trì hoãn tiêm vaccine khiến dịch Covid-19 có thể tái bùng phát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - LTS: Số bệnh nhân mắc bệnh cúm đang có dấu hiệu tăng cao bất thường ở phía Bắc. Bên cạnh đó, các biến thể phụ của Covid-19 chủng Omicron như BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1 với khả năng lây lan nhanh cũng liên tiếp được phát hiện. Điều này đặt ra những lo ngại về nguy cơ dịch chồng dịch. Dù chưa có nghiên cứu đánh giá cụ thể, nhưng các chuyên gia y tế tiên lượng, nếu bệnh nhân vừa mắc cúm, vừa mắc Covid-19 sẽ khiến bệnh trở nặng nhanh hơn, nguy cơ tử vong cũng cao hơn.

Những biến chủng mới với tốc độ lây lan nhanh hơn đã xâm nhập trong bối cảnh tâm lý chủ quan xuất hiện khá phổ biến ở cộng đồng, những yếu tố này đang khiến Việt Nam đối mặt nguy cơ tái bùng phát làn sóng Covid-19. Đáng chú ý, số ca biến chứng nặng, tử vong cũng đang gia tăng. Khoảng 23-25% trong số đó là những người chưa tiêm vaccine Covid-19. Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo.

Tử vong do chưa tiêm vaccine

TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong 1 tháng qua đã có hơn 45.000 ca mắc Covid-19 mới trên toàn quốc. Như vậy, tính trung bình sẽ có hơn 1.500 ca/ngày, đỉnh điểm là ngày 18-8 có trên 3.000 ca mắc. Cũng trong khoảng thời gian này, số mắc trung bình ở tuần sau luôn cao hơn tuần trước, điều đó cho thấy xu hướng gia tăng trở lại của dịch là rất rõ rệt.

Cùng với số mắc tăng thì số ca nặng, tử vong cũng đang tăng lên, khoảng 1/4 trong số đó là những trường hợp chưa tiêm vaccine Covid-19. Theo thống kê của Bộ Y tế, nếu như ở tháng 7 trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục ca nặng phải thở oxy thì đến 2 tuần đầu tháng 8 con số này tăng lên khoảng trên 100 ca, và đến tuần này thì có nhiều ngày ghi nhận hơn 200 ca nặng. Tại phía Bắc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ đầu tháng 8 đến nay có trên 230 bệnh nhân Covid-19 nặng nhập viện điều trị, khoảng 46% bệnh nhân là người trên 65 tuổi. Đáng chú ý, trong số bệnh nhân nặng phải điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện thì có 24,3% là những trường hợp chưa tiêm vaccine phòng Covid-19. Ở tháng 8, bệnh viện đã ghi nhận 3 ca tử vong… Tính riêng ở Hà Nội, tại bệnh viện điều trị cho người bệnh Covid-19 Hoàng Mai, nếu tháng trước chỉ có xấp xỉ 20 bệnh nhân nội trú/ngày thì đến trung tuần tháng 8 con số này đã tăng lên gấp đôi. Số bệnh nhân nặng, nguy kịch cũng tăng khi có 10 ca phải can thiệp thở máy, oxy dòng cao, thở máy không xâm nhập.

Năm học mới đến gần và chỉ còn ít ngày nữa để đạt mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 - 12 tuổi, nhưng nhiều tỉnh, thành tiêm mũi 2 rất chậm

Năm học mới đến gần và chỉ còn ít ngày nữa để đạt mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 - 12 tuổi, nhưng nhiều tỉnh, thành tiêm mũi 2 rất chậm

Tại phía Nam, nửa đầu tháng 7, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM không tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nào, nhưng từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 ghi nhận tới 32 bệnh nhân. Trong số này có 19 bệnh nhân mức độ nặng/nguy kịch; tử vong 6 bệnh nhân. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong do không tiêm vaccine là 50%.

Chủ quan trước nhiều biến chủng mới

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nhận định, số ca mắc mới Covid-19 được thông báo hiện nay vẫn thấp hơn so với thực tế. Lý do vì nhiều người xét nghiệm dương tính nhưng triệu chứng nhẹ không khai báo, hoặc những người không có triệu chứng nên không xét nghiệm. Một trong những nguyên nhân khiến dịch Covid-19 tăng trở lại là do xuất hiện nhiều biến thể mới của virus. Tại Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện với các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1). Biến thể phụ mới BA.2.74 được ghi nhận lần đầu tiên tại báo cáo số 2233/BVBM-KHTH ngày 8-8-2022 của Bệnh viện Bạch Mai. Các biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại. Thậm chí theo một số chuyên gia, các biến chủng phụ mới này có khả năng lẩn tránh miễn dịch.

Biểu đồ số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua

Biểu đồ số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam thời gian qua

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, để phòng chống dịch hiệu quả vẫn cần duy trì 2 biện pháp: Đánh giá đúng nguy cơ dịch để đáp ứng phù hợp; tổ chức việc dự phòng cá nhân, người dân không chủ quan lơ là. Đặc biệt, vaccine vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Các chuyên gia y tế đều đánh giá, vacicne Covid-19 hiện nay vẫn có giá trị với các biến thể mới. Tuy nhiên, thực tế là có một bộ phận không nhỏ người dân đã tiêm mũi 2, mũi 3 vaccine hoặc đã mắc bệnh nên chủ quan, nghĩ rằng không cần tiêm thêm các mũi nhắc lại.

Đặc biệt, ở nhóm trẻ nhỏ, nhiều phụ huynh còn băn khoăn, lo ngại tác dụng phụ của vaccine nên không muốn đưa con đi tiêm. Mới đây, ngày 18-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - địa phương nằm trong nhóm có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 18 tuổi đạt thấp - đã công bố kết quả cuộc khảo sát nhanh về lý do khiến nhiều phụ huynh chưa đưa con em mình đi tiêm vaccine phòng Covid-19. Theo khảo sát này, có 19% phụ huynh không đồng ý đưa trẻ đi tiêm vì lo vaccine gia hạn sử dụng, 13% số phụ huynh sợ trẻ bị tác dụng phụ của vaccine, 16% cho biết trẻ đã mắc Covid-19 trước đó nên chưa muốn tiêm. Ngoài ra cũng có rất nhiều phụ huynh nêu lý do chưa nhận được tin nhắn hẹn tiêm vaccine từ phía nhà trường…

Quyết hoàn thành lộ trình

Đến đầu tháng 8 này, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương thường xuyên bị Bộ Y tế điểm tên trong danh sách các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ở nhóm trẻ 5 đến dưới 18 tuổi đạt thấp. Trước thực trạng đó, ngày 9-8, UBND TP Hà Nội đã có công điện số 03/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác tiêm chủng vaccine Covid-19. Cụ thể, thành phố yêu cầu phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 với các giải pháp đồng bộ để tăng tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, đảm bảo hoàn thành trong tháng 8-2022, hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và đẩy nhanh tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu chính là tăng cường công tác thông tin truyền thông về lợi ích, hiệu quả của vaccine. Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân Huỳnh Thị Dung cho biết, xác định việc tiêm chủng cho trẻ là việc rất quan trọng khi các con bước vào năm học mới, quận đã chỉ đạo Phòng Văn hóa, UBND các phường tuyên truyền trên các hệ thống thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của quận, phường. Đặc biệt, tuyên truyền trên các nhóm Zalo, Facebook của khu dân cư, tổ dân phố; đề nghị các trường tuyên truyền đến phụ huynh học sinh qua các kênh nhóm Zalo của trường…

Tương tự, tại quận Đống Đa, thực hiện Công điện 03 của UBND TP Hà Nội, UBND quận đã giao chỉ tiêu và trách nhiệm đến từng trường học, kể cả công lập và dân lập. Lập danh sách đối tượng trẻ đủ tiêu chuẩn tiêm chủng. Từ đó, tuyên truyền, vận động từng phụ huynh đưa trẻ đi tiêm. Thực tế cho thấy, trước thềm năm học mới, số ca mắc Covid-19 mới ghi nhận trong nước có xu hướng tăng, khiến nhiều phụ huynh thay đổi quyết định và cho tiêm vaccine phòng bệnh.

Đơn cử, từ ngày 17-8, trường THCS Bế Văn Đàn là điểm tiêm vaccine Covid-19 cho gần 1.000 học sinh của 16 trường THCS và THPT trên địa bàn quận Đống Đa. Hay tại quận Hai Bà Trưng đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 liều nhắc lại (mũi 3) cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn nhằm tiếp tục tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vaccine phòng Covid-19. Tính đến hết ngày 14-8, tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 10.088 mũi 1, đạt 36,75%; 3.038 mũi 2 đạt 11,07%. Số liệu tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là 24.795 mũi 1, đạt 99,74%; 22.463 mũi 2, đạt 99,72%; 4.673 mũi 3, đạt 20,8%...

Rõ ràng tiến độ tiêm vaccine Covid-19 tại Hà Nội hơn 10 ngày nay đã có sự tăng tốc mạnh sau khi thành phố, các ngành liên quan, các quận huyện tích cực vào cuộc và giao chỉ tiêu cụ thể đến các cấp cơ sở. Điều quan trọng hơn là khi đẩy mạnh tuyên truyền, làm tốt công tác vận động thì những người dân còn băn khoăn, hoài nghi cũng dần nhận thức rõ hơn về hiệu quả của vaccine và thay đổi quyết định, đồng ý cho con em mình đi tiêm vaccine Covid-19.

Nhiều địa phương cần tăng tốc hơn nữa

Từ nay đến hết tháng 8 chỉ còn khoảng 10 ngày để đạt mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng nhiều tỉnh/thành tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi vẫn rất thấp. Các địa phương này cần phải quyết liệt đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm, nhất là trong bối cảnh số ca Covid-19 tăng, nhiều biến thể xâm nhập. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tăng cường điểm tiêm chủng lưu động tại vùng khó khăn, tổ chức tiêm vét tại vùng có tỷ lệ thấp. Với các địa phương có nhiều khu công nghiệp, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các khu công nghiệp triển khai tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19 đạt tỷ lệ cao trên 90% để đảm bảo miễn dịch. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý, điều phối vaccine để đảm bảo sử dụng hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương