Trẻ chơi ở đâu, khi ở đâu cũng… bị chiếm

ANTĐ - Năm nào cũng vậy, cứ đến kỳ nghỉ hè là một câu hỏi nhức nhối lại được đặt ra đối với các bậc phụ huynh: Trẻ em vui chơi ở đâu? Khi mà ở đâu cũng thiếu? Câu nói của một phụ huynh: “Chỗ chơi duy nhất của con tôi là ở cầu thang và hành lang” có khiến chúng ta phải suy nghĩ?

Trẻ chơi ở đâu, khi ở đâu cũng… bị chiếm ảnh 1
Thử khảo sát chỗ chơi ở Hà Nội

Chúng tôi đã thử có một cuộc khảo sát tại một số khu dân cư để thấy được hiện trạng sân chơi trẻ em, nhưng hầu như đều rất khó tìm thấy, bởi đa phần các khu dân cư đều không có, hoặc nếu có thì quy mô quá bé hoặc quá cũ kỹ, xuống cấp. Tại nhiều khu tập thể cũ như Trung Tự, Bách Khoa, Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Giảng Võ, Quỳnh Mai… bất cứ khoảng trống nào cũng đều được tận dụng làm chỗ trông xe, chỗ bán hàng, đồ chơi nếu có thì đã cũ kỹ, hoen gỉ không thấy bóng trẻ chơi. Đặc biệt không gian dành cho những trò chơi cần nhiều diện tích hơn một chút như cầu lông, đá bóng… thì gần như không thể tìm thấy.

Chị Nguyễn Thị Hồng sinh sống tại một khu tập thể ở tổ 11A, Định Công, Hoàng Mai chia sẻ, hai đứa con của chị cứ đi học về là phải ở trong nhà, vì khu tập thể chị ở chỗ chơi duy nhất của các cháu là… khu hành lang và cầu thang. “Khu tập thể có một khoảng sân nhỏ nhưng lúc nào cũng chật kín xe ra vào. Nhiều khi con trai muốn đá bóng hay đánh cầu lông, nhưng không có chỗ nên toàn đá loanh quanh khu hành lang, rất nguy hiểm và bóng hay bay vào cửa hay đồ đạc của các gia đình khác nên họ không hài lòng và tôi cũng buộc phải cấm con đá bóng trong khu tập thể.

Thi thoảng cuối tuần tôi mới đưa các cháu ra các công viên như Linh Đàm, Thủ Lệ nhưng đều rất xa, người thì quá đông và các trò chơi thì đều mất phí”.

Bà Lan ở khu tập thể Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) thì tiếc nuối: “Ngày xưa giữa hai tòa nhà có cái sân rộng lắm, trẻ con đá bóng, đi xe đạp thoải mái, người già có chỗ tập thể dục, cứ chiều chiều là khoảng sân rộn ràng hết cả lên. Giờ thì chỗ này thành bãi trông xe rồi, chả ai dám cho trẻ xuống đây đá bóng, đạp xe nữa. Chúng tôi đấu tranh mãi thì buổi sáng họ mới dành cho một khoảng để tập thể dục, còn các cháu không biết đấu tranh nên… đành chịu, không có chỗ nào mà chơi”. 

Tại những khu đô thị, chung cư mới, hiện đại thì đa phần đều có khu thể thao, vui chơi giải trí nhưng lại có thu phí và mức phí các trò chơi cũng khá đắt so với mặt bằng thu nhập cung của đại bộ phận dân cư. Ngay cả các khu đô thị mới xa trung tâm, việc đầu tư vào các khu vui chơi trẻ em cũng rất hiếm hoi, hoặc được xây dựng nhưng không được quan tâm duy tu, bảo dưỡng dẫn đến xuống cấp nghiêm trọng.

Ví như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính tìm mỏi mắt cũng không thấy có khoảng không gian nào được đặt thiết bị chơi cho trẻ con mà chỉ thấy dày đặc những ô tô, xe máy và hàng quán ở bất kỳ khoảng trống nào. Còn tại khu đô thị Nam Đô (Trương Định, sân chơi cho trẻ em nằm trên bể phốt, khi trời mưa xuống bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến không phụ huynh nào dám cho trẻ đến chơi. Theo các hộ dân cư ở đây, dù được kiến nghị nhiều lần nhưng chủ đầu tư vẫn khắc phục hết sức sơ sài, tình hình không chuyển biến nên họ phải tự thuê phòng mở các phòng chơi, lớp học năng khiếu bên trong tòa nhà mà không dám cho con xuống sân chơi.

Có những khu dân cư như phường Trung Phụng dân số 17.000 người nhưng chỉ vỏn vẹn hơn 30m2 sân chơi cho trẻ em. Hay như một thống kê thì quận Thanh Xuân phần trăm diện tích cho vườn hoa, cây xanh, khu vui chơi công cộng là 0. 

Thiếu sân chơi, trẻ bị đẩy đến quán internet

Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, những năm 70 của thế kỷ trước, trong quy hoạch các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân…không gian lưu không giữa các dãy nhà được đặc biệt chú trọng. Đa số các sân chơi này đều rộng rãi và yên tĩnh, được trồng hoa và cây bóng mát. Tuy nhiên, do buông lỏng quản lý, những không gian này dần dần bị lấn chiếm, phá hủy, thay thế vào đó là nhà cửa, tường bao, nơi kinh doanh…

Còn tại các dự án khu dân cư mới, khu đô thị mới, nhằm tăng mật độ xây dựng, diện tích vườn hoa, công viên, sân bãi thể dục thể thao thường bị cắt giảm, thậm chí là bị bỏ quên. Các khu đô thị cao cấp đa phần thiết kế đều có khu thể thao, vui chơi giải trí cho trẻ em (theo quy chuẩn quy hoạch các khu đô thị), tuy nhiên do công tác đầu tư xã hội hóa các khu đó phải tự trang trải kinh phí nên nó biến thành các dịch vụ khu vui giải trí, tức là có thu tiền.

PGS.TS Phạm Hùng Cường (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng) cho rằng đây là sự bất hợp lý, vì không gian vui chơi đã thiếu, muốn chơi lại phải trả tiền nên số trẻ được tiếp cận với những khu vui chơi này rất ít. “Khi được hằng ngày ra ngoài chơi, trẻ sẽ được phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức, về các mối quan hệ… Nhưng giờ không có chỗ chơi thì đương nhiên trẻ phải ngồi trong nhà, phải xem ti vi, chơi điện tử, máy tính, phải khép mình trong các mối quan hệ hẹp, nhiều trẻ tự kỷ, nghiệm game… cũng vì vậy” - PGS Phạm Hùng Cường phân tích. 

Đồng quan điểm ThS.KTS Lã Kim Ngân - Viện trưởng Viện Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho biết: Qua điều tra cũng như bằng trực giác, chúng ta đều dễ dàng nhận biết số lượng, quy mô, chất lượng các vườn hoa, sân chơi tại Hà Nội chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy phạm cũng như các yêu cầu phân bố bán kính phục vụ… “Sự thiếu vắng và kém chất lượng của các không gian công cộng là một trong các tác nhân gián tiếp đẩy trẻ con đến những quán internet, chơi lang thang trên đường phố, xa lánh dần các hoạt động giao lưu cộng đồng”.

Hãy trả lại sân chơi cho trẻ

Theo PGS. TS Phạm Hùng Cường, vấn đề sân chơi dành cho trẻ em là một vấn đề bức thiết: “Tôi nghĩ những sân chơi trẻ em trong nhóm nhà cần phải được coi là hệ thống hạ tầng xã hội, khu công cộng. Đối với các khu đô thị mới, quỹ đất là không thiếu, bởi trong quy hoạch đều có. Vấn đề là Nhà nước phải có chính sách, phải có nguồn kinh phí để đầu tư, duy tu, cải tạo…”. Theo KTS Lã Kim Ngân, đối với các khu nội thành, khu vực cải tạo, nên dành lại quỹ đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, các quỹ đất sử dụng chức năng không phù hợp trong nội thành cho các không gian vườn hoa, sân chơi.

Các quỹ đất trống, quỹ đất sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng của các cơ sở di dời, hay việc tái sử dụng quỹ đất không phù hợp chức năng… cần được ưu tiên dành cho việc bổ sung các không gian công cộng, trong đó trước hết là vườn hoa, sân chơi cho trẻ em và người già. Đồng thời, Hà Nội cần tạo quỹ đầu tư, xã hội hóa để chỉnh trang, nâng cấp hoàn thiện các tiện nghi trong các công viên, sân chơi; kiên quyết thu hồi các diện tích bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích.

Đối với khu vực mới phát triển và ven đô, trên cơ sở đầu tư khung liên kết hạ tầng ít tốn kém nhất, sẽ hình thành các liên kết hệ thống công viên, vườn hoa, sân chơi. Việc lựa chọn đầu tư xây dựng các công viên, sân chơi cần bảo đảm tuân thủ nguyên lý quy hoạch và các quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn, an toàn và chất lượng tương thích với đô thị loại đặc biệt.

Theo các chuyên gia, trước mắt, TP Hà Nội cần thực hiện ngay các hành động như kiểm kê, đánh giá hiện trạng và tình hình sử dụng các vườn hoa, sân chơi hiện hữu trong các khu dân cư; tập hợp thông tin hiện trạng và quy hoạch sân chơi, công viên trên nền bản đồ thể hiện chi tiết từng phường. Trên cơ sở đó, cần khẩn trương phục hồi, tôn tạo, nâng cấp các vườn hoa, sân chơi hiện hữu trong các khu dân cư, đồng thời tăng cường công tác quản lý, dẹp bỏ lấn chiếm, sử dụng sai mục đích các không gian này.

"Trước tình trạng bí bách về sân chơi trẻ em, có một nhóm bạn trẻ có tên Think Playgrounds (Nghĩ về sân chơi) đã đi sưu tầm những vật liệu bỏ đi như lốp, gỗ thùng, hộp giấy carton, lõi cuộn thép... để tự chế thành những chiếc xích đu, bập bênh... đồng thời đi thuyết phục các hộ dân cư để tìm một khoảng không đặt những đồ chơi này cho trẻ em có chỗ vận động tay chân. Mỗi sân chơi sau khi hoàn thiện đã trở thành điểm vui chơi cho hàng chục, hàng trăm lượt trẻ mỗi ngày. “Tuy nhiên, trong thực tế làm việc, nhóm vẫn vấp phải những khó khăn khi tổ dân phố không đi được đến quyết định cuối cùng để có 1 sân chơi hay không. Phần lớn là do nhu cầu người lớn hơn, và thiếu người đại diện cho tiếng nói của trẻ em. Thanh niên cần chỗ đá bóng, cụ già cần chỗ tập cầu lông, còn các bé nhỏ hơn thì chỉ còn lại các góc nhỏ, hoặc các khu vực thích hợp cho việc đạp xe. Chính bởi vậy, tại những tổ dân phố có khu đất trống nhưng đất được sử dụng cho nhiều mục đích thì việc xây dựng sân chơi rất khó khăn” - Quốc Đạt, một thành viên nhóm Think Playgrounds cho biết. Từ cuối năm 2014 đến đầu năm nay, hoạt động sân chơi đang có dấu hiệu trở thành một làn sóng lan tỏa trong các nhóm hội, cộng đồng làm từ thiện tại các địa phương khác nhau. Tuy nhiên, để có 1 giải pháp tổng thể, cần có những chính sách cụ thể và những văn bản có hiệu lực tác động xuống từng địa phương để những khu đất công cộng được bảo vệ, những khu đất trống, đất xen kẹt được đưa về cho cộng đồng quản lý, từ đó các sân chơi miễn phí mới có cơ hội được xây dựng thêm. Ở đây, chúng ta cần nhấn mạnh chứ miễn phí bởi 1 thực tế cho thấy, người dân có rất nhiều nhu cầu thiết yếu, chính đáng để hưởng các dịch vụ công cộng. Nếu Hà Nội có nhiều khu vui chơi miễn phí cho trẻ em thì hẳn chúng ta sẽ không chứng kiến những cảnh xô lấn chen đẩy đáng tiếc tại Công viên nước."