Về địa phương xét nghiệm chì miễn phí cho trẻ bị nhiễm độc

ANTĐ -Theo thông tin từ Viện trưởng Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế, dự kiến vào giữa tháng 5 này, Viện sẽ xét nghiệm lại chì miễn phí, khám sức khỏe cho 70 trẻ ở thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên).

 Như ANTĐ đã nhiều lần đưa tin, đây là một làng nghề tái chế chì và hiện có đến hàng trăm trẻ trong thôn bị nhiễm chì. Cụ thể, kết quả xét nghiệm ngẫu nhiên từ năm 2012 cho thấy có 109 trẻ dưới 10 tuổi ở thôn Đông Mai bị phơi nhiễm chì. Theo tiêu chuẩn hàm lượng chì trong máu của trẻ không được quá 10 mg/dl thì có đến 33 cháu vượt ngưỡng 4-5 lần, cần được thải độc. 

Điều trị cho trẻ bị ngộ độc chì ở Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai

TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết, ngay khi phát hiện nhiều trẻ có hàm lượng chì trong máu cao, Viện đã phối hợp với Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đưa trẻ đi thải độc chì nhưng chỉ một số em lên Bệnh viện điều trị, có em bỏ dở điều trị. Lần tới Viện sẽ về tận nơi xét nghiệm chì miễn phí cho các trẻ và đề xuất với Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế cử cán bộ y tế xuống tận địa phương triển khai thải độc chì cho người dân đỡ tốn kém; đồng thời tập huấn kỹ năng cho cán bộ y tế địa phương.

Dự kiến trong số 70 trẻ được xét nghiệm chì miễn phí đợt này có 33 em nhiễm chì nặng và 27 trẻ thiếu máu. Đa số là những trẻ đã từng được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị thải độc chì trước đó. Tiến sĩ Doãn Ngọc Hải cho biết, đây chỉ là biện pháp trước mắt, sau này sẽ có giải pháp để theo dõi sức khỏe cho trẻ sống trong vùng ô nhiễm. Còn giải pháp lâu dài và quan trọng nhất vẫn là cải thiện vấn đề môi trường.

Cũng theo TS Hải, nếu làng nghề này vẫn tiếp tục làm công việc tái chế pin, ắc quy thì người dân vẫn sẽ phơi nhiễm chì. Việc nhiễm độc chì hoàn toàn có thể điều trị được nhưng sẽ không sẽ không giải quyết được tận gốc. Do vậy, cần phải kết hợp tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng chống, hạn chế phơi nhiễm chì, chẳng hạn những vật dụng, quần áo ở nơi sản xuất, tái chế chì thì không nên mang về nhà, không được để gần trẻ nhỏ nhằm giảm bớt nguồn ô nhiễm. Y tế địa phương cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ, khi có triệu chứng thì đưa đi khám sớm.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, trẻ bị nhiễm độc chì thường có những biểu hiện bất thường về tinh thần, thể lực và trí tuệ. Nếu trẻ nhiễm độc ở mức độ nhẹ thì thường khó tính, dễ cáu bẳn, hay quấy, khóc hoặc bướng bỉnh, nghịch ngợm, không chịu nghe lời. Ở mức độ nặng hơn thì có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, thiếu máu, co giật và hôn mê. Đối với người lớn nhiễm độc chì thường chán ăn, mất ngủ, đau đầu, thiếu máu, suy giảm sức khỏe, suy giảm trí nhớ và giảm năng suất lao động.