Tranh thủ WTO, đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững

ANTĐ - Ngày 14-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08 TW về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Nghị quyết số 16 CP thực hiện Nghị quyết 08 TW.

Sau một ngày làm việc tích cực, khẩn trương qua các báo cáo, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cho thấy Nghị quyết 08 TW và Chương trình hành động của Chính phủ đã được triển khai tích cực, nghiêm túc và có hiệu quả ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương. 

Trong phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, quá trình phát triển của đất nước trong giai đoạn đầu sau khi gia nhập WTO cũng đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần phấn đấu khắc phục trong thời gian tới. 

Những hạn chế yếu kém là: thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, đôi khi lúng túng. Sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của ta mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước, kể cả nhiều nước trong khu vực.

“Tiềm lực kinh tế của đất nước, lực lượng doanh nghiệp trong nước có mạnh, sản phẩn hàng hoá trong nước có sức cạnh tranh cao thì nền kinh tế mới vững, vị thế trong hội nhập mới cao. Càng hội nhập có hiệu quả, chúng ta càng có điều kiện thuận lợi để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới cần bám sát các chủ trương lớn như, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn tới với mục tiêu cao nhất là tất cả vì lợi ích quốc gia, lợi ích của dân tộc cần đặt trong bối cảnh thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011- 2020. Hội nhập kinh tế quốc tế cần gắn kết hơn nữa với quá trình đổi mới kinh tế - xã hội trong nước để nâng cao hiệu quả và tăng cường sự thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu phát triển chung của đất nước, nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng...