Trắng đêm lên núi săn kỳ nhông

ANTĐ - Khi mùa nắng hạn đến cũng là lúc thợ săn ở huyện Đăk Rông (Quảng Trị) luồn rừng trắng đêm đi săn kỳ nhông núi. theo chân thợ săn len lỏi khắp nẻo rừng, tôi mới thấy sự vất vả, nguy hiểm cùng với những lời tâm sự đến buốt lòng của những người trong nghề ở miền sơn cước này. Biết là vất vả, nguy hiểm, nhưng với nhiều người, họ không còn lựa chọn nào khác.

Trắng đêm lên núi săn kỳ nhông ảnh 1

Một đêm săn kỳ nhông

Thấy tôi gầy còm nên Hồ Văn Hùng (25 tuổi, ở xã Đăk Rông, huyện Đăk Rông) một tay săn kỳ nhông núi kỳ cựu ở đất này nói thẳng như tát nước vào mặt: “Tướng anh thế này không đi săn kỳ nhông núi được đâu! Nghề này nguy hiểm, vất vả lắm!”. Nhưng vì muốn được theo chân những người thợ săn bản địa vốn thoăn thoắt leo rừng, lội suối này, tôi phải tìm đủ cách nài nỉ, thậm chí phải được những trai làng ở đây thẩm định về khả năng băng rừng lội suối, mới được cùng theo chân thợ săn lên núi Đăk Rông trắng đêm đi săn kỳ nhông.

Vào thời điểm mùa khô ở miền tây Quảng Trị như lúc này, nhiều người dân không chỉ ở Đăk Rông mà nhiều nơi khác cũng tự chế bẫy rồi kéo nhau vào rừng đặt bẫy. Có người một ngày săn được hai, ba con thú, có người cả tuần trăng mới được một con, nhưng họ vẫn vào rừng. 

Chiều nhập nhoạng cũng là lúc chúng tôi lên đường sau khi chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ thiết yếu cho cuộc săn. Rừng chiều xám một màu tro, mùi cỏ dại, lá mục ải nước ngai ngái ngất ngây đưa lại. Dừng chân ngồi bên ngôi lán bỏ hoang, Hùng bảo ngồi nghỉ ngơi chờ đến khi trời tối sậm, khi ấy kỳ nhông núi đã đi ngủ thì thợ săn mới được ra tay hành nghề.

Trong lúc chờ đợi đêm xuống Hùng cho biết: “Mùa này kỳ nhông núi có rất nhiều, chúng thường sống gần các khe đá, suối nước dọc theo triền rừng. Ban ngày chúng kiếm ăn xung quanh đó, đêm đến chúng ngủ vắt vẻo trên cành cây và đổi màu theo màu sắc của lá cây. Thợ săn kỳ nhông núi phải rất tinh mắt mới phát hiện ra chúng!”

Đêm rừng Đăk Rông đen bóng như sừng trâu, chúng tôi nối chân nhau theo ánh đèn pin vượt qua những lèn đá lởm chởm bám đầy rong rêu, trơn tuột. Thấy tôi trầy trật, “vồ ếch” suốt quãng đường, sau cái cười có phần thương hại lấp lóa qua ánh đèn pin, Hùng nói nửa thật, nửa đùa: “Anh tưởng nghề này nhàn hạ lắm hay sao lại cứ reo réo xin theo, bây giờ thấy thấm chưa? Giờ muốn quay lui thì cũng... không được nữa rồi!”. 

Đi dọc theo khe đá sâm sấp nước, có cây cối, dây leo phủ kín hai bên, chừng non một tiếng đồng hồ thì Hùng mới soạn dụng cụ trong chiếc bao lưới ra để chuẩn bị hành nghề. Bởi theo kinh nghiệm mấy năm đi săn kỳ nhông núi, Hùng biết được nơi nào có nhiều kỳ nhông núi sinh sống.

Rọc vội cây tre dài gần 2m đốn được ở trên đường đi bằng dao quắm, Hùng dùng đoạn dây cước to bằng đầu bút bi néo từ ngọn cây xuống gốc. Ở trên đầu cây tre, Hùng thắt theo kiểu thòng lọng, đoạn cuối dây để lỏng thỏng, ngoéo vào cánh tay phải lực lưỡng của mình. Hùng nói, dụng cụ săn kỳ nhông núi chỉ đơn giản như thế này, nhưng rất hiệu quả. Ban đêm, khi dùng đèn pin soi chiếu, kỳ nhông núi lóa mắt không thấy gì, mình dùng thòng lọng tròng vào cổ chúng, giật thật mạnh để kéo xuống, chúng khó mà thoát được sức rút của vòng dây cước kia.

Và rồi bài học “lý thuyết cơ bản” về cách săn kỳ nhông núi mà Hùng giảng giải suốt dọc đường đi cuối cùng cũng đến lúc được mang ra thực hành. Trên một thân cây sung choãi nhánh ra khe đá, một chú kỳ nhông núi khéo léo đổi màu ngụy trang, bám mình dưới tán lá xanh rậm rịt và thăm thẳm đêm rừng.

Hùng phải đưa tay chỉ, pha đèn pin khá lâu tôi mới phát hiện ra nó. Hùng đưa đèn pin cho tôi pha lên vị trí chú kỳ nhông núi kia đang ẩn mình, còn anh chưa đầy hai phút đã nhẹ nhàng tròng giây vào cổ con vật. Sau một cú giật mạnh, chú kỳ nhông núi bằng cổ tay người lớn đã nằm gọn trong tay Hùng.

Chỉ tay vào bụng con vật đang cố sức vẫy vùng, Hùng “lật tẩy” chiêu bài ẩn mình của nó: “Khi gặp ánh đèn pin, kỳ nhông núi thường nằm im một chỗ. Phía dưới bụng của nó có màu nhạt hoặc đậm hơn lá cây một tý. Thợ săn kỳ nhông núi tinh mắt chỉ cần nhìn qua là biết!”. 

Nhìn con kỳ nhông đang vùng vẫy, tôi thoáng chạnh lòng trước cuộc mưu sinh đầy bất trắc của những người thợ săn. Vì cuộc mưu sinh trong nghèo khó họ đã ra tay tàn sát các loài động vật hoang dã còn sót lại trong các cánh rừng này. 

Trắng đêm lên núi săn kỳ nhông ảnh 2

Nỗi niềm ai tỏ

Nhốt chú kỳ nhông núi vào bao lưới mang theo, chúng tôi tiếp tục cuộc săn cho đến khi tiếng những con gà rừng đua nhau gáy ở bìa rừng phía xa. Lúc này chân tay ai nấy đều rã rời. Bởi ngước nhìn quá lâu lên cao nên bây giờ cổ ngắc qua, ngắc lại thấy đau rưng rức. Mỏi mệt. Chúng tôi ngã mình trên tảng đá đẫm sương nghỉ ngơi cho lại sức để luồn rừng trở về. Cũng chính lúc này, Hùng mới có thời gian tâm sự với tôi.

“Thợ săn kỳ nhông núi phải đi tối thiểu 2 người trở lên để thay nhau công việc, chứ đi một mình trong rừng gặp rắn rết cắn, ngã va đầu vào đá chết trong rừng không ai biết mà nhặt xác. Ở xã này cũng có nhiều người đi săn kỳ nhông núi, nhưng làm nghề này, như anh biết đấy, nguy hiểm, vất vả lắm. Nhưng mình không có nghề nghiệp ổn định, vợ con lại nheo nhóc, đành phải cắn răng, liều mình vào rừng thôi. Người ta thì làm ăn ban ngày, đêm đánh một giấc dài, còn mình ban đêm thui thủi trong rừng mưu sinh, lắm lúc cũng tủi thân...”. 

Người đi đặt bẫy là những người dân quanh năm lam lũ với rẫy với rừng. Cứ đến mùa mưa là lại kéo nhau vào rừng bẫy thú để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Họ cũng biết việc mình làm là hủy hoại thiên nhiên, môi trường sống nhưng biện minh rằng không đi bẫy thú thì cũng chẳng còn việc gì làm vào mùa này. Thành quả cuộc săn của chúng tôi tối hôm ấy gần 1kg kỳ nhông núi sống, chúng lớn từ ngón chân cái đến cổ tay người lớn, tất cả được Hùng nhốt kỹ trong bao lưới để sáng mai mang đi bán.

“Hồi đó thú rừng nhiều vô kể, ngày nào cũng có thịt rừng để ăn và bán lại cho các đầu nậu. Giá thú rừng lúc đó rất rẻ, không như bây giờ. Tiền bán được không đủ để mua dây làm bẫy, dây phải mua ở ngoài phố chứ ở trong này không có. Nghề này chỉ làm giàu cho các thương lái và lò mổ thôi, chứ còn anh em đi rừng thì có gì đâu. Miếng tôn mỏng che mái nhà còn chưa mua được, huống hồ gì mà giàu có!”, Hùng bộc bạch.

Ngưng một lát, Hùng với tay vặt một nắm lá rừng bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến, rồi lấy bã lá dịt vào vết thương đang rỉ máu do kỳ nhông núi cắn lúc nãy.  Rồi Hùng kể, nhiều trường hợp đi săn bị thú rừng tấn công phải bỏ mạng, leo rừng, leo dốc ngã gãy chân, gãy tay Nhưng ở cái nơi ít đất nhiều đá này, biết làm nghề gì ngoài vào rừng.

Dường như sợ tôi cướp lời, anh lại tiếp lời nhưng tầm mắt vẫn buông đi đâu: “Mỗi tuần tôi đi săn kỳ nhông núi hai lần, mỗi đêm như vậy bắt được tầm 1-2kg, bán cũng được năm đến bảy trăm nghìn đồng. Tiền bán được thì mua gạo nuôi vợ con. Sắp tới tôi sẽ bỏ nghề này để đi làm thuê cho người ta, dẫu cực nhưng vẫn sướng hơn nghề này nhiều!”.

Dứt lời Hùng mỉm cười, giục tôi xuôi rừng về bản Vùng Kho, nơi có căn nhà tồi tàn, dột nát của gia đình anh. Bình minh rực đỏ phía triền đông, chỉ có tiếng kêu thê thiết của những loài thú rừng vọng trong ánh nắng ngày mới mà nghe càng xót xa hơn.

Sau chuyến đi rừng đó,bẵng đi một thời gian, tôi nhận được điện thoại của Hùng. Anh hớn hở khoe: “Tôi đã bỏ nghề đi săn mấy hôm nay rồi, bây giờ đi làm cỏ sắn cho một gia đình trong xã, thu nhập cũng khá, vui, thoải mái lắm anh ơi. Đỡ sợ, đỡ lo mà có cái tiền mang về nuôi gia đình”. Nghe Hùng nói, tôi thấy mừng cho anh và cái ám ảnh khi nhìn những chú kỳ nhông giãy giụa trên tay người thợ săn cũng vơi bớt phần nào.