Trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh: Dồn sức khắc phục hậu quả

ANTĐ - Trong ngày 31-7, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang tiếp tục có mưa lớn. Đến 17h ngày 31-6, tàu HQ624 mới đưa được khoảng 600 du khách từ đảo Cô Tô về đất liền. Dự báo, từ đêm 31-7, mưa lớn sẽ còn diễn ra tại hầu khắp các tỉnh Bắc bộ. 
Trận mưa lũ lịch sử ở Quảng Ninh: Dồn sức khắc phục hậu quả  ảnh 1

Thôn Bản Sen (Vân Đồn) vẫn bị cô lập vì lũ

Yêu cầu ứng trực 24/24h

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long yêu cầu các địa phương thường trực chống mưa lũ 24/24h từ nay đến ngày  4-8. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải giữ liên lạc 24/24h. UBND tỉnh sẽ kiểm tra đột xuất, nếu địa phương nào không thực hiện nghiêm túc sẽ bị kỷ luật. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu, nguy cơ lớn nhất hiện nay vẫn là sự cố đê số 8, bãi đổ thải 790 ở khu vực phường Mông Dương, Cẩm Phả. Hiện mỗi ngày, bãi thải than này đang dịch chuyển khoảng 1m, nhiều khả năng sẽ phủ lấp hoàn toàn một cửa lò khai thác than của Công ty 790. Tỉnh Quảng Ninh đã di dời hơn 100 hộ dân sống ở vùng gần khu vực bãi thải 790 đến nơi an toàn. Hiện nay, mưa lũ khiến nhiều đơn vị của ngành than phải dừng hoạt động. Nhiều mỏ than sẽ phải mất từ 1 - 3 tháng mới có thể hoạt động trở lại như Công ty than Mông Dương, Công ty 790 của Tổng Công ty Đông Bắc. 

Ở Bản Sen (Vân Đồn) đến ngày 31-7, nước đã rút được 8m, tuy nhiên mực nước ở lòng chảo Bản Sen (nơi có 27 hộ dân sinh sống) vẫn cao chừng 6m. Việc cấp lương thực, nước uống và đồ dùng sinh hoạt cho 75 người dân ở đây được duy trì đầy đủ. Quốc lộ 18 đoạn qua đèo Bụt, nối Cẩm Phả với Hạ Long đã được thông xe vào sáng 31-7. Hiện tại, TP Hạ Long vẫn còn 117 điểm có nguy cơ tiếp tục sạt lở đất đá nếu mưa kéo dài trong vài ngày tới. Tại các vị trí có nguy cơ sạt lở, TP Hạ Long luôn bố trí lực lượng túc trực để khi xảy ra sự cố thì xử lý ngay, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến cuối ngày 31-7, hầu hết các điểm úng ngập đã rút nước, công tác khắc phục, hỗ trợ nhân dân, tiêu độc khử trùng đang được gấp rút triển khai. Tỉnh cũng đã hỗ trợ bước đầu cho các hộ dân bị thiệt hại để kịp thời ổn định cuộc sống (mỗi hộ gia đình có nhà bị sập được hỗ trợ 50 triệu đồng, mỗi người chết 6 triệu đồng). Đối với hồ nước ngọt Lòng Dinh (Vân Đồn) đang gặp sự cố, tỉnh đã huy động các lực lượng kịp thời khắc phục.

Hiện nay, hồ Trúc Bài Sơn tại huyện Hải Hà có dung tích 15 triệu m3 cũng đã xuất hiện rò rỉ ở chân đập. Tỉnh đã huy động lực lượng xử lý, mực nước trong hồ đã rút đáng kể. Tại 2 hồ này, địa phương duy trì lực lượng ứng trực 24/24h để kịp thời cảnh báo, xử lý khi có sự cố. Về nước sinh hoạt, chậm nhất đến ngày 5-8, phải hoàn thành việc sửa chữa đường ống cấp nước Nhà máy nước Diễn Vọng. Tại những khu vực bị ngập lụt, Công ty CP nước sạch Quảng Ninh sẽ cung cấp nước miễn phí cho người dân.

Chậm “giải cứu” 1.500 du khách do thời tiết xấu

Hiện nay, việc “giải cứu” gần 1.500 du khách mắc kẹt ở đảo Cô Tô vẫn gặp nhiều khó khăn. Tỉnh Quảng Ninh cho biết, sẽ di chuyển miễn phí du khách từ Cô Tô vào đất liền, các trường hợp cố tình thu tiền của khách sẽ bị xử lý nghiêm. Về đến Cẩm Phả, nếu du khách hết kinh phí, tỉnh sẽ hỗ trợ mỗi người 200.000 đồng. Tuy nhiên, thời tiết ở đảo Cô Tô đang diễn biến rất xấu, mưa lớn kèm theo sóng to, gió cấp 6-7 gây khó khăn cho tàu HQ634 cập bờ cũng như chuyển hành khách lên tàu. Đến cuối giờ chiều 31-7, lực lượng chức năng mới đưa được khoảng 600 du khách cập bờ an toàn. Với diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay, việc đưa du khách về đất liền sẽ chậm hơn so dự kiến.

Hiện vẫn còn trên 1.000 du khách mắc kẹt trên đảo Cô Tô. Trong khi đó, lương thực, thực phẩm trên đảo đã khan hiếm, đặc biệt là rau xanh. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh  Nguyễn Văn Đọc yêu cầu các huyện Vân Đồn, Cô Tô và lực lượng chức năng đảm bảo tuyệt đối an toàn cho du khách trong quá trình từ Cô Tô về đất liền; sẵn sàng phương tiện đưa du khách từ cảng Cái Rồng ra bến xe Cẩm Phả.

Vùng mưa lớn đã mở rộng ra khắp các tỉnh Bắc bộ.

Hàng nghìn du khách ở Cô Tô nóng lòng chờ tàu về đất liền

Tại Lạng Sơn, đến ngày 31-7, đã có thêm 1 nạn nhân bị lũ cuốn trôi. Đó là ông Trần Văn Đán, 81 tuổi, trú tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Mưa lũ kèm theo sạt lở đất đã làm 3 ngôi nhà bị sập, 2 ngôi nhà bị hư hỏng và trên 300ha lúa, hoa màu chìm trong lũ. Mưa lớn khiến hồ Khun Diếm (xã An Hùng, huyện Văn Lãng) có dung tích 50.000m3 gặp sự cố xói lở khiến chính quyền địa phương phải huy động nhân dân gia cố bằng bao tải đất. Trong đêm 30 và rạng sáng 31-7, mưa lớn khiến tuyến đường giao thông từ TP Lào Cai đi huyện Văn Bàn bị nước lũ chia cắt trong nhiều giờ.