Bão số 2 càn quét các tỉnh đồng bằng Bắc bộ

(ANTĐ) - Sai lệch với dự báo vài ngày trước khi bão số 2 đổ bộ, hôm qua 24-6, bão số 2 chỉ quét qua đảo Lôi Châu (Trung Quốc) nhưng không hề suy yếu, rồi thẳng tiến xuống Vịnh  Bắc bộ, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, xuôi xuống Nam Định, Thái Bình.
Bão đổ bộ vào Hải Phòng-Thái Bình
Sai lệch với dự báo vài ngày trước khi bão số 2 đổ bộ, hôm qua 24-6, bão số 2 chỉ quét qua đảo Lôi Châu (Trung Quốc) nhưng không hề suy yếu, rồi thẳng tiến xuống Vịnh  Bắc bộ, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, xuôi xuống Nam Định, Thái Bình. Sáng cùng ngày, bão số 2 chỉ quét qua khu vực ven biển Quảng Ninh như Móng Cái, Hạ Long… sau đó di chuyển sâu xuống Hải Phòng. Trong ngày 24-6, hầu hết khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ đều có mưa to đến rất to.

 Nhà đổ ngổn ngang ở xã An Lư, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng)
 Nhà đổ ngổn ngang ở xã An Lư, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng)

Nhiều nơi lượng mưa vượt 100mm như Phủ Liễn (Hải Phòng) 133mm; Cúc Phương (Ninh Bình) 134 mm; trung tâm Hà Nội 120mm; Yên Định (Thanh Hóa) 142mm… Chiều tối cùng ngày, bão số 2 đã đổ bộ vào khu vực Hải Phòng, Thái Bình, trong đó, trọng tâm là tỉnh Thái Bình. Ông Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, khi đổ bộ, bão số 2 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, có cường độ cấp 6-7. Cũng theo ông Hải, sau khi suy yếu, ATNĐ sẽ gây mưa trên toàn Bắc bộ và Bắc Trung bộ trong 2-3 ngày tới, lượng mưa khoảng 50mm. “Mưa kéo dài song không cục bộ, nên khó có khả năng gây ngập cho khu vực Hà Nội cũng như một số đô thị lớn”, ông Hải nói.

Công an huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão số 2 
 Công an huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão số 2

Đến 16h hôm nay 25-6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 105,4 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Nam đồng bằng Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6. Các tỉnh Nam đồng bằng Bắc bộ có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7. Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Dồn sức khắc phục hậu quả
Đến thời điểm này, Hải Phòng là tỉnh đang phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đến chiều tối ngày 24-6, toàn tỉnh có 7 người ở các huyện Thủy Nguyên, An Dương, Tiên Lãng, An Lão bị chết, trong đó, 5 người bị sét đánh, 2 người chết do lốc và 89 người khác bị thương. Thiệt hại về tài sản là 1.021 nhà tốc mái, 16 nhà sập, 12 phòng học tốc mái... Xã An Lư, huyện Thủy Nguyên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Thành phố Hải Phòng đang dồn sức khắc phục hậu quả cơn bão số 2 tại các địa phương do bão gây ra. Hiện tại có khoảng 1.000 người, gồm công an, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện, người dân đang ở xã An Lư để dựng lại nhà cửa, giúp nhân dân trong xã sớm ổn định cuộc sống.

Trước mắt, thành phố Hải Phòng hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 10 triệu đồng; người bị thương nặng 3 triệu đồng, người bị thương nhẹ 1 triệu đồng; nhà sập là 10 triệu đồng/hộ, nhà tốc mái hoàn toàn 5 triệu đồng/hộ, nhà bị tốc mái trên 20% là 2 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã xảy ra giông, lốc trên diện rộng (20 xã), gió cấp 10, 11. Hiện chưa có thiệt hại về người. UBND huyện đã cử cán bộ xuống chỉ đạo trực tiếp công tác khắc phục tại hiện trường.

Còn trên biển, vào đêm 23-6,  tàu cá NA 0895/4 trên đường về tránh bão bị sóng đánh chìm tại khu vực cách đảo Hòn Ngư 0,5km. Trong đó, 3 người đã được tàu Petrolimex cứu, hiện còn 1 ngư dân mất tích, lực lượng Biên phòng Cửa Lò - Bến Thủy đang tiếp tục tìm kiếm. Ngoài ra, 4 người bị lũ cuốn trôi ở Yên Bái đến chiều tối 24-6 vẫn còn 3 người mất tích.

Trước những dự báo về đợt mưa lớn và kéo dài đến hết cuối tuần trên địa bàn Hà Nội có thể gây ngập nặng, ngay từ 5h sáng 24-6, hơn 1.500 nhân viên của Công ty Thoát nước Hà Nội đã ứng trực trên toàn địa bàn. Trạm bơm Yên Sở đã vận hành hết công suất suốt cả đêm để đảm bảo hạ mực nước cho hệ thống. Các hồ điều hòa, kênh dẫn, kênh bao và các con sông đã được hạ mực nước thấp nhất, sẵn sàng mở cửa khi mưa lớn. Các dàn thiết bị cơ giới đang hỗ trợ nạo vét, thông tắc tại các vị trí xung yếu. Cửa hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đã được mở đồng bộ để điều hòa mực nước.

Theo lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội, trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm cục bộ vẫn đang được vận hành để hạ mực nước để kịp thời ứng phó, sẵn sàng ứng phó tình huống bất ngờ với những cơn mưa tiếp theo. Ông Nguyễn Lê - Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, với công suất thoát nước của thành phố là 170mm trong hai ngày, điều đáng lo nhất là xảy ra tình huống mưa cấp tập. Nếu lượng mưa lớn tới 100mm, kéo dài trong vài giờ chắc chắn Hà Nội sẽ xảy ra ngập úng.