Trái đất ngày càng “bốc hỏa”

ANTĐ - Nhiệt độ bề mặt hành tinh chúng ta đang lập hết kỷ lục “nóng nhất” này đến kỷ lục “nóng nhất” khác và nếu không chặn được cơn “phát hoả” hiện nay của Trái đất con người sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Trái đất ngày càng “bốc hỏa” ảnh 1
Trái đất ngày càng nóng lên sẽ khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan 
như khô hạn ở châu Phi trầm trọng hơn


Tạp chí nổi tiếng “Khoa học Địa lý tự nhiên” (Nature Geoscience, Anh) số ra ngày 21-4 công bố kết quả công trình nghiên cứu quốc tế cho thấy nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất cuối thế kỷ 20 đạt mức nóng nhất trong vòng 1.400 năm qua. Đây là cuộc nghiên cứu công phu với sự tham gia rộng rãi của các nhà khoa học quốc tế về nhiệt độ Trái đất trong thời gian kéo dài suốt 2 thiên niên kỷ.

Nghiên cứu quốc tế trên tập hợp dữ liệu thời tiết cũng như từ những thiết bị chỉ báo theo dõi biến đổi nhiệt độ từ vân gỗ, phấn hoa, san hô, trầm tích ở hồ và biển, lõi băng và măng đá thu thập từ 511 địa điểm trên khắp 7 khu vực lục địa toàn cầu. Từ những nghiên cứu khí hậu trong thời gian khoảng 2.000 năm, các nhà khoa học đã rút ra kết luận rằng Trái đất bắt đầu nóng lên từ cuối thế kỷ 19, ngoại trừ Nam Cực. 

Trong thế kỷ 20, nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất cao hơn 0,4 độ C so với nền nhiệt trung bình 500 năm trước. Trong đó, từ năm 1971 đến năm 2000, tức là 3 thập kỷ cuối của thế kỷ 20, Trái đất đã trải qua thời kỳ nóng hơn bất kỳ thời điểm nào trong vòng 1.400 năm qua.

Thủ phạm của việc Trái Đất nóng lên được nghiên cứu chỉ ra là biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính. Theo đó, sự “tăng tốc” của nhiệt độ trung bình trên Trái đất trong thế kỷ 20 chủ yếu do sự gia tăng của lượng khí thải dioxide Carbon (CO2) từ các hoạt động của thời kỳ công nghiệp hoá trên thế giới như đốt than, xăng dầu, khí đốt... của con người. 

Kết quả nghiên cứu cũng như nguyên nhân của hiện tượng Trái đất đang ngày càng nóng lên công bố trên Tạp chí “Khoa học Địa lý Tự nhiên” phù hợp với các nghiên cứu, khảo sát thời gian qua của nhiều tổ chức, nhà khoa học tên tuổi trên thế giới. Các tổ chức như Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Ngân hàng thế giới (WB)... còn khẳng định quá trình tăng nhiệt của Trái đất sẽ nhanh hơn trong tương lai và thế giới phải trả giá đắt nếu không kìm hãm được quá trình này.

WB cho rằng nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm 4 độ C vào năm 2060 như dự báo sẽ mang lại nhiều hậu quả tàn khốc như tình trạng acid hóa đại dương tăng kỷ lục, phá hủy hệ sinh thái biển... Nghiêm trọng hơn nhiệt độ toàn cầu tăng cao sẽ khiến mực nước biển dâng cao lên gần 1m và nhấn chìm nhiều khu vực ven biển rộng lớn của Bangladesh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ, Indonesia, Philippines, Việt Nam... 

Các nhà khoa học cũng khẳng định, tới năm 2050, hàng triệu người ở châu Phi và châu Á sẽ phải đối mặt với nguy cơ chết đói trước tình trạng trái đất nóng lên gây hậu họa khôn lường như nhiệt độ khắc nghiệt, lũ lụt, hạn hán biến đổi thất thường... Những hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ khiến cho nền nông nghiệp cả thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, nước nghèo bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Con người là “thủ phạm” gây ra hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất nóng lên nên chính con người phải hành động để giảm thiểu hậu quả tàn khốc do mình gây ra. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon thúc giục các nước cần giữ vững và thực hiện đầy đủ cam kết về thỏa thuận khí hậu, khởi động lộ trình đàm phán về hiệp ước cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mang tính ràng buộc pháp lý trước năm 2015 với mục tiêu giới hạn nhiệt độ không tăng thêm quá 2 độ C vào cuối thế kỷ.