Trách nhiệm “tư lệnh”

ANTĐ - Giải thích về đề xuất thu phí lưu hành ô tô, xe máy và phí vào trung tâm các thành phố vào giờ cao điểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải nhấn mạnh, số tiền người dân đóng góp qua xăng dầu, không đủ để duy tu và bảo dưỡng đường, nên cần phải tạo thêm nguồn thu. Người dân có quyền đặt câu hỏi, việc thiếu tiền để “chăm sóc” đường sá có thật là do người dân đóng góp không đủ, hay do chất lượng cầu đường quá kém nên bị xuống cấp quá nhanh? Kết quả kiểm tra 5 công trình giao thông trọng điểm, được Bộ GTVT công bố mới đây cho thấy, tất cả đều sai sót, khiếm khuyết về chất lượng và xuống cấp nhanh chóng dù tất cả mới được đưa vào sử dụng.

Nên nhớ rằng, cả 5 dự án giao thông huyết mạch này đã được công luận báo chí lên tiếng về chất lượng, vì thế thanh tra của Bộ GTVT mới vào cuộc và “phát hiện” những lỗi kỹ thuật từ giải pháp thiết kế, thi công cho đến việc sử dụng kết cấu cầu đường. Bản thân Bộ GTVT cũng không bao che những người phải chịu trách nhiệm về những “lỗ hổng” khiến các công trình vừa “bóc tem” đã hư hỏng. Đó là chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công. Có nghĩa là sai sót cả “dây”, thế nhưng lại không chỉ ra được mắt xích nào, khâu nào gây ra chất lượng kém.

Điều đáng hoài nghi là, những công trình trọng điểm quốc gia nhưng lại bộc lộ những non kém về chuyên môn và kinh nghiệm trong ngành giao thông vốn có cả một bề dày thành tích gần nửa thế kỷ qua. Thật không thể hiểu nổi những công trình cầu đường bề thế mà lại mắc những sai sót kỹ thuật hết sức cơ bản và “ấu trĩ”. Càng không thể hiểu, vì sao tất cả các đường cao tốc, đại lộ, cầu lớn và đường vành đai đều có chi phí đầu tư rất lớn, song chất lượng chẳng hơn gì… cầu đường làng. Ví như đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương chỉ dài hơn 61km, trong đó có 40km đường cao tốc, phần còn lại là đường dẫn, nhưng đã ngốn hết 500 triệu USD.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, dư luận không mấy khó khăn chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến hậu quả. Đó chính là sự cẩu thả “đồng bộ” trong tư vấn, thiết kế lựa chọn giải pháp thiết kế và thi công. Các nhà thầu thi công cũng làm ẩu theo, cuối cùng chủ đầu tư và tư vấn giám sát “thả nổi” quản lý và trách nhiệm. Còn một nguyên nhân khá phổ biến là tình trạng thất thoát vốn đầu tư, “rút ruột”, bớt xén vật liệu hoặc dùng vật liệu rẻ tiền như bê tông “cốt tre”. Đây không phải là “năm mới nói chuyện cũ”, mà thực trạng các công trình giao thông chất lượng quá kém đã đến mức báo động. Trong khi đó, chuyện chậm tiến độ hàng loạt các công trình gây ảnh hưởng an toàn giao thông, gây lãng phí nguồn lực quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước, đang trở thành “hội chứng” lây nhiễm. Sau hành động “trảm tướng” của ông Bộ trưởng GTVT, hàng loạt dự án “rùa bò” đã đua nhau vượt tiến độ thi công. Trong cuộc gặp Bộ trưởng mới đây, hai vị tổng giám đốc của hai tổng công ty lớn đã cam kết nếu công trình không về đích sớm 5 tháng thì sẽ nộp đơn xin từ chức. Đương nhiên là họ đưa ra điều kiện và được Bộ trưởng đáp ứng.

Có lẽ đây là chuyện hy hữu diễn ra không chỉ trong Bộ GTVT. Giả như ở các bộ, ngành khác cũng có những người “tư lệnh” dám hứa sẽ từ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì những vấn đề bức xúc của đất nước chắc chắn sẽ được tháo gỡ, giải quyết đến nơi đến chốn, chứ không theo “tư duy nhiệm kỳ”.