Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở về công tác phòng cháy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nhiều cơ sở phải dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Do lơ là nên các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
CAH Gia Lâm đã yêu cầu người đứng đầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt công tác phòng ngừa cháy nổ tại cơ sở

CAH Gia Lâm đã yêu cầu người đứng đầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt công tác phòng ngừa cháy nổ tại cơ sở

Theo chỉ huy CAH Gia Lâm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ như: sự cố hệ thống điện; sơ xuất, bất cẩn sử dụng lửa, nhiệt…

Bên cạnh đó, lực lượng thường trực sẵn sàng chữa cháy chủ quan, lơ là, phương tiện chữa cháy tại chỗ không bảo dưỡng định kỳ; công tác tuyên truyền và tổ chức thực tập các phương án chữa cháy định kỳ, công tác tự kiểm tra PCCC không thực hiện thường xuyên...

Từ thực trạng này dẫn đến khi có cháy, nổ xảy ra dễ gây ra cháy lớn và thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản.

Xác định nhiệm vụ phòng ngừa cháy, nổ, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt để bảo đảm an toàn PCCC trong thời gian dừng, hoặc tạm dừng hoạt động do Covid-19, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Gia Lâm đã yêu cầu người đứng đầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ cần thực hiện tốt những nội dung:

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện an toàn PCCC tại đơn vị mình quản lý.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC, cũng như các biện pháp PCCC cơ bản cho cán bộ, công chức và người lao động; thường xuyên tổ chức công tác tự kiểm tra về công tác PCCC để kịp thời khắc phục những thiếu sót về PCCC.

Tăng cường kiểm tra chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt có thể gây cháy, nổ.

Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng hệ thống điện, không phát sinh thêm các thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế, đảm bảo không để chập điện, quá tải gây cháy điện trở tiếp xúc; hết giờ làm việc phải ngắt điện từng khu vực;

Cần bố trí sắp xếp hàng hóa ở trong kho bảo đảm khoảng cách PCCC theo quy định, cũng như lối và đường thoát nạn; thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của phương tiện chữa cháy tại chỗ bảo đảm về số lượng, chất lượng và bảo dưỡng định kỳ theo đúng quy định;

tăng cường công tác tuần tra, canh gác bảo vệ cơ quan, nhất là vào ban đêm, cũng như ngoài giờ làm việc, các ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ.

Đặc biệt, khi xảy ra cháy, nổ phải kịp thời phát hiện và báo động cho mọi người xung quanh biết.

Nhanh chóng tìm mọi cách ngắt nguồn điện nơi xảy ra cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ được trang bị để dập tắt đám cháy, ngăn chặn chống cháy lan.

Khẩn trương cứu người bị nạn và di chuyển tài sản theo phương án, tình huống đã dự kiến. Đồng thời, bằng mọi cách nhanh nhất thông báo tới người quản lý trực tiếp biết, gọi điện thoại báo cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114, hoặc ứng dụng HELP 114, đến tham gia chữa cháy.

Cùng với đó, trong nhiệm vụ thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, các cơ sở cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để góp phần ổn định sản xuất, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.