Trả giá đắt vì đong điêu

ANTĐ - Tám đối tượng bị bắt khẩn cấp; 2 cây xăng trên đường Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng) và Yên Viên (Gia Lâm) của Công ty CP Xăng dầu chất đốt Hà Nội bị thu hồi giấy phép hoạt động. Đó là cái giá đắt phải trả cho hành vi gian lận, “móc túi” người tiêu dùng.

Nạn gian lận trong kinh doanh xăng dầu từ lâu đã gây nhức nhối dư luận. Không chỉ đong điêu, doanh nghiệp còn ăn gian cả về chất lượng, sẵn sàng pha chế thêm tạp chất vào xăng dầu để lừa dối người tiêu dùng. Thậm chí, có đơn vị còn lắp đặt hệ thống bí mật để trộn xăng dầu có hàm lượng RON, hàm lượng lưu huỳnh thấp với xăng dầu đạt yêu cầu theo quy chuẩn kỹ thuật… 

Đáng chú ý, tình trạng gian lận diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong thời gian ngắn (từ tháng 4 đến tháng 9-2015), lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 1.498 cơ sở kinh doanh xăng dầu với 3.885 cột đo; phát hiện, xử lý phạt hành chính 232 cơ sở với số tiền gần 8,4 tỷ đồng. Đơn cử, vừa qua, tại Đồng Nai, lực lượng chức năng đã phát hiện 61 cây xăng vi phạm với cách thức gian lận tinh vi, kín đáo bằng cách “cấy” chip điện tử của bộ điều khiển trong cột đo xăng dầu, làm thay đổi tỷ số đếm, sai lệch về số lượng xăng dầu cung cấp cho người tiêu dùng. Nhiều cây xăng gian lận từ 2 - 15%, tức là, với 10 lít bán ra, doanh nghiệp đã ăn cắp của khách hàng tới 1,5 lít. Cơ quan chức năng đã thừa nhận, do các thủ đoạn gian lận mới rất tinh vi nên hoạt động thanh tra, kiểm tra theo cách thông báo trước không còn hiệu quả.

Thực tế trên cho thấy, việc tiếp tục duy trì thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đặc thù về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu (lấy mẫu trước khi công bố quyết định kiểm tra, kiểm tra đột xuất ngoài giờ hành chính) là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh hoạt động thường xuyên, có trách nhiệm của lực lượng chức năng, người tiêu dùng cũng cần có động thái tự bảo vệ mình. Nguồn tin tố cáo gian lận từ người tiêu dùng chính là cơ sở quan trọng để lực lượng chức năng vào cuộc, xử lý hành vi lừa dối khách hàng.

Để chặn đứng nạn gian lận trong kinh doanh xăng dầu, có địa phương đề xuất nghiên cứu gắn “hộp đen” vào trụ bơm xăng để tiến tới xuất hóa đơn bán lẻ, kiểm soát chặt đầu vào, đầu ra của các cây xăng… Có ý kiến đề nghị tăng nặng chế tài xử phạt so với hiện nay. Số khác lại cho rằng, chỉ cần thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật hiện hành là đủ sức răn đe. Điều quan trọng là các cơ quan chức năng có đủ năng lực để phát hiện, phạt đúng, phạt đủ các hành vi vi phạm hay không.

Thực tế hiện nay cho thấy, vi phạm trong kinh doanh xăng dầu diễn ra khá phổ biến nhưng tỷ lệ bị xử lý hình sự còn thấp, chủ yếu là xử phạt hành chính. Hy vọng, vụ việc xảy ra tại Công ty CP Xăng dầu chất đốt Hà Nội sẽ là bài học nghiêm khắc cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu khác, để không phải trả cái giá quá đắt vì hành vi móc túi “thượng đế” - những người nuôi sống doanh nghiệp.