Mánh khóe "rút ruột" tiền công quỹ

ANTĐ - Trong cuộc họp gần đây nhất, Ủy ban kiểm tra - kỷ luật tỉnh Quảng Đông đã công bố thông tin về 10 vụ án rút ruột tiền cơ quan của quan tham Trung Quốc, với những mánh khóe như: đội giá mua trang thiết bị công vụ, “vòi tiền” doanh nghiệp hay “sáng làm công an, tối làm giám đốc”…
Mánh khóe "rút ruột" tiền công quỹ  ảnh 1

1.000 Nhân dân tệ 1 USB 

Gần đây, truyền thông Trung Quốc “nổi sóng” trước hai vụ khai khống giá mua trang thiết bị công vụ ở TP Quảng Châu, nhằm bỏ túi riêng cho “sếp”. Đó là vụ việc Văn phòng Sự vụ phố phía Nam quận Thiên Hà mua 27 USB với giá 27.000 Nhân dân tệ, tính ra mỗi USB có giá đến 1.000 NDT. Và Phòng Lưu trữ quận Việt Tú mua 1 máy photocopy với giá đến 160.000 Nhân dân tệ. Khi bị truy vấn “vì sao các thiết bị này lại có giá đắt đến như vậy?”, hai cơ quan này đã đổ thừa lỗi là do sai sót của bộ phận tài chính. Tuy nhiên qua điều tra được biết, việc mua USB, máy photocopy cùng nhiều trang thiết bị khác của hai cơ quan này đều chưa được phòng tài chính quận duyệt chi.

Trong những năm gần đây, tình trạng “mua đồ đắt chứ không mua đồ cần thiết” trong cơ quan hành chính các cấp vẫn còn tồn tại, thậm chí đang ngày càng trầm trọng hơn. Theo báo cáo về tình hình chi hành chính phí do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) công bố năm 2013, cơ quan các cấp đều mua trang thiết bị công vụ với giá cao hơn giá thị trường. Đơn cử như vụ của một chủ nhiệm họ La của Phòng Quản lý môi trường TP Hoài An (tỉnh Giang Tô).

Khi được giao nhiệm vụ thay mới hệ thống âm thanh, máy chiếu phòng họp của cơ quan, La đã lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tiền cơ quan. Cụ thể, La đã dùng 30.000 Nhân dân tệ mà cơ quan duyệt chi để mua một máy chiếu với giá 14.000 Nhân dân tệ và hai máy tính xách tay với giá 16.000 Nhân dân tệ, trong đó một máy bị La chiếm làm của riêng.

“Vòi tiền” doanh nghiệp 

Ông Hoàng, chủ một doanh nghiệp lớn tại Quảng Đông có hơn 10 năm là đối tác bán trang thiết bị công vụ cho nhiều cơ quan Nhà nước tiết lộ, ngay trong việc đưa ra tiêu chuẩn để tìm kiếm đối tác quan chức các cơ quan đã có thể tham ô. Cụ thể là quan chức các cơ quan có thể đưa vào các tiêu chuẩn có lợi cho công ty mà họ đã sớm “nhắm đến”. Ông Hoàng dẫn bằng chứng là cách đây không lâu công ty ông có tham gia một buổi đấu thầu mua sắm của chính quyền một thành phố ở Hà Bắc.

Cơ quan bên mua đưa ra yêu cầu các công ty tham gia đấu thầu trong vòng 3 ngày phải đưa ra mẫu sản phẩm để cơ quan này xem xét, đây là điều mà hầu hết công ty đều không làm được. Để dành được hợp đồng, công ty của ông Hoàng phải “lót tay” cán bộ với một khoản tiền không hề nhỏ.

Chưa kể trong văn bản quy định cách tính điểm, giá bán sản phẩm chỉ chiếm 30%, đảm bảo được các tiêu chuẩn cơ quan đưa ra chiếm 70%, đặc biệt công ty nào có “cờ đỏ tuyên dương” doanh nghiệp xuất sắc thì được cộng điểm. Rõ ràng có thể thấy được sự thiên vị trong công tác đấu thầu mua sắm trong vụ này, ông Hoàng cho biết.

Tiêu biểu cho việc tham gia vào chuyện mua trang thiết bị công vụ của cơ quan để kiếm chác phải kể đến vụ Vũ Trường Thuận, cựu Giám đốc Sở Công an TP Thiên Tân, người bị tố “sáng làm công an, tối làm giám đốc”. Vũ đã mượn danh nghĩa người thân thành lập 70 công ty, trong đó hơn 40 công ty được xác định có quan hệ liên đới với ông Vũ. Những công ty này đã giành được rất nhiều ưu tiên trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị công vụ của nhiều cơ quan, kiếm về cho Vũ đến 1,5 tỷ Nhân dân tệ.

Phải chặt chẽ hơn, cứng rắn hơn

 Quy định về thực thi Luật mua sắm Chính phủ nước CHND Trung Hoa chính thức có hiệu lực từ ngày 1-3-2015 và đã được nhiều chuyên gia đánh giá là có tác dụng lớn trong việc chống lãng phí, chống tham nhũng trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo ông Châu Liệt Ngọc, Chủ nhiệm Văn phòng Luật sư Guardian (Quảng Đông), đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, quy định về mua sắm Chính phủ phải chặt chẽ hơn nữa và việc thi hành cũng phải cứng rắn, vì trên thực tế những vụ “rút ruột” tiền công quỹ thông qua việc mua sắm trang thiết bị trong các cơ quan hành chính Nhà nước vẫn diễn ra. Theo ông Châu, cơ quan các cấp không phải chỉ công khai “Mua gì? Mua cho đơn vị nào sử dụng?” mà còn phải báo cáo cả lý do mua cũng như hiệu quả sử dụng. Hơn nữa, phải tăng mức phạt với các trường hợp vi phạm quy định. Hiện nay, mức phạt cảnh cáo và nộp phạt từ 2.000 - 20.000 Nhân dân tệ là quá nhẹ, ông Châu cho biết.