Sơ hở, hiệu vàng Hoàng Tín lập tức đã bị kẻ gian nhằm tới
Nằm trong nhóm “nguy cơ cao”
So với nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc, số vụ việc xâm phạm hiệu vàng tại Hà Nội ít hơn và tính chất manh động cũng không bằng. Thế nhưng chưa bao giờ các lực lượng chức năng của Hà Nội, đặc biệt công an thành phố, chủ quan trước hoạt động của loại tội phạm nghiêm trọng này. Từ giữa năm 2007, Công an thành phố Hà Nội triển khai Kế hoạch số 72 về phòng chống cướp có vũ khí, trong đó nội dung quan trọng nhấn mạnh lực lượng CSHS và công an các quận, huyện tăng cường phòng ngừa tội phạm cướp sử dụng vũ khí xâm phạm hiệu vàng. Đến thời điểm này, Kế hoạch 72 vẫn đang là chỉ đạo xuyên suốt, đồng thời được bổ sung những nội dung, biện pháp quyết liệt hơn để đánh chặn tội phạm cướp hiệu vàng trên địa bàn Thủ đô.
Hơn 10 tháng đầu năm 2012, tại Hà Nội ghi nhận xảy ra 3 vụ cướp và đe dọa cướp hiệu vàng với thủ đoạn, tính chất nghiêm trọng. Nhìn nhận, phân tích từng vụ việc xảy ra, chỉ huy Phòng CSHS đúc rút 2 nguyên nhân chính khiến các hiệu vàng nằm trong nhóm “nguy cơ cao” bị xâm phạm. Thứ nhất, tài sản và giao dịch ở các hiệu vàng thường rất lớn. Thứ hai, những khó khăn của nền kinh tế, sự bùng phát các quan hệ vay mượn “tín dụng đen”, vỡ nợ… khiến ngay cả những trường hợp đối tượng vốn dĩ không có bản chất lưu manh, côn đồ cũng sẽ sẵn sàng làm liều. Vụ một cựu giáo viên 28 tuổi, quê Thái Nguyên, về Hà Nội tống tiền hiệu vàng Phú Nguyên, quận Cầu Giấy bằng cách dọa nổ mìn xảy ra mới đây là một minh chứng.
Không nơi nào “bất khả xâm phạm”
“Sẽ rất sai lầm khi cho rằng, tội phạm chỉ nhắm đến những hiệu vàng ở xa khu dân cư để tìm cách xâm phạm”, Đại tá Đào Thanh Hải - Trưởng phòng CSHS CATP Hà Nội khẳng định. Vụ trộm tại một hiệu vàng ở phố Ngọc Lâm, quận Long Biên; vụ các quầy trưng bày trang sức bị khoắng sạch tại một hiệu vàng ở huyện Từ Liêm; vụ cướp - giết tại hiệu vàng Vững Bắc, huyện Thường Tín, rồi vụ nổ mìn tại cửa hàng vàng Hoàng Tín, phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình… địa điểm xảy ra các vụ việc này ở xa khu dân cư cũng có, ngay giữa khu đông người cũng có, và đều có chung đặc điểm không có nhân viên bảo vệ, thiết bị giám sát an ninh trang bị chỉ để… làm cảnh.
Chính sự chủ quan, mất cảnh giác của chủ các cơ sở kinh doanh vàng đã khiến họ rơi vào tình thế trắng tay hoặc nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Vụ trộm vàng trên phố Ngọc Lâm hồi năm 2011; cửa hàng vàng quy mô là vậy mà ban đêm lại không bố trí người trông coi. Kẻ gian đã đột nhập được vào, và trong đêm tối, tha hồ lục lọi, thậm chí còn chọn lựa chỉ lấy vàng ta, bỏ lại vàng tây, bạc và tiền lẻ. Vụ mất trộm tại hiệu vàng ở huyện Từ Liêm mới đây cũng vậy; chủ cửa hàng tường trình: “Chạy sang hàng xóm có tí việc, cửa xếp sắt khép hờ, vậy mà lúc sau quay về đã mất sạch vàng, đồ trang sức trong quầy”.
Phần nhiều tâm lý của tội phạm khi lên kế hoạch cướp hiệu vàng sẽ chọn những điểm xa khu dân cư hoặc vùng ven đô. Bởi thực tế các điểm kinh doanh ở những khu vực này thường lỏng lẻo trong công tác phòng ngừa. Vụ giết cướp hiệu vàng Vững Bắc ở huyện Thường Tín, hung thủ sau này bị bắt khai nhận, y thủ dao trong người, đi mất cả buổi, ra tận ngoại thành thì phát hiện được sơ hở của hiệu vàng Vững Bắc. Sơ hở ra sao? Gần như không có người đứng trực bán ở quầy hàng; không có nhân viên bảo vệ. Nằm ngay mặt đường, nhưng theo quan sát của hung thủ, những biến động xảy ra bên trong hiệu vàng Vững Bắc không dễ bị phát hiện. Trong chừng mực nào đó, tiếng động phát ra từ hiệu vàng sẽ bị âm thanh của các loại phương tiện chạy ngoài đường át đi. Và điều này đã diễn ra… đúng với phán đoán của hung thủ sát hại bà chủ hiệu vàng Vững Bắc. Cái chết của bà chủ cửa hàng 55 tuổi chỉ được phát hiện khi hung thủ bắt đầu rời hiện trường. Toàn bộ diễn biến đuổi, đâm, kéo xác nạn nhân vào chỗ khuất không bị các hộ dân quanh đó biết để can thiệp, ứng cứu.
Sơ hở của cơ sở kinh doanh vàng cũng đã bộc lộ trong vụ nổ mìn hôm 21-6 tại phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình. Khi thủ phạm bị bắt, y đã trả lời câu hỏi của điều tra viên về việc tại sao chọn hiệu vàng Hoàng Tín để gây án: “Tôi đi xe máy từ Bắc Giang về Hà Nội tăm tia các hiệu vàng, nếu thuận lợi thì cướp. Và đã tìm được “mục tiêu” là hiệu vàng Hoàng Tín, vì lúc này hiệu vàng không có bảo vệ, chỉ có một người trông xe”…
Nhận diện khái quát phương thức hoạt động xâm phạm hiệu vàng:
Đối tượng thường nhằm vào các cửa hiệu có vị trí gần đường giao thông lớn để dễ dàng tẩu thoát. Khi ra tay, đối tượng gây án thường từ 2 tên trở lên, sử dụng xe máy, mang theo “hàng nóng” hoặc dao nhọn, bình xịt. Khi bị phát hiện và có sự phản kháng, đối tượng sẵn sàng tấn công sát hại nạn nhân.
Trước đó, đối tượng tiếp cận mục tiêu, vờ hỏi mua hoặc đổi tiền vàng. Để đạt được mục đích phạm tội, trước khi gây án, đối tượng thường tiến hành điều tra nghiên cứu kỹ quy luật hoạt động của cửa hàng cũng như số lượng nhân viên, bảo vệ, vị trí lắp đặt thiết bị an ninh. Có trường hợp, đối tượng gây án móc nối với nhân viên làm việc ở hiệu vàng để thực hiện vụ cướp một cách trọn vẹn.
(Còn tiếp)