TPP mang lại cơ hội cho cả Việt Nam và Mỹ

ANTĐ - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trong cuộc đối thoại với bà Virginia Foote - Chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ, trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ diễn ra tối 23-5, nhân dịp chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam.

Bà Virginia Foote: Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Vậy tầm nhìn toàn cầu của Việt Nam là gì mà ký kết nhiều FTA như vậy?

Ông Trần Quốc Khánh: Việt Nam là một thành viên của ASEAN, là thành viên của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Hàng hóa nước ngoài nếu có thể vào Việt Nam sẽ tiếp cận được thị trường rộng lớn này. Từ đó, Việt Nam sẽ trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong và ngoài nước. Hàng hóa Việt Nam cũng sẽ vươn tới được những thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, EU... Vì vậy, sau khi trở thành thành viên của WTO, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu trở thành thành viên của một số khu vực kinh tế. Bên cạnh đó, sau khi gia nhập WTO, chúng tôi cũng nhận thấy chính sách quản lý của Việt Nam thay đổi tích cực. Nếu có thể tham gia FTA thế hệ mới chất lượng cao như TPP, sẽ giúp Việt Nam cải thiện thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh của mình.

- Chuẩn mực TPP có quá cao đối với Việt Nam hay không? Tôi nghĩ thỏa thuận thương mại này có lợi cho Việt Nam?

- Khi đưa ra quyết định đàm phán TPP, Chính phủ Việt Nam đã cân nhắc kỹ lưỡng các chuẩn mực và cân nhắc toàn bộ quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam trước đó. Chúng tôi nhận thấy thu được nhiều lợi ích, đặc biệt về xuất khẩu và môi trường kinh doanh. Khi bắt tay đàm phán TPP, cũng có nhiều ý kiến vì tiêu chuẩn TPP rất cao. Tuy nhiên, trong đàm phán thì chúng tôi cũng giải quyết các vấn đề đó. Các nước đồng ý cho Việt Nam có thời gian chuyển đổi cần thiết. Với sự ủng hộ như vậy, Việt Nam đã đưa ra các cam kết mạnh dạn. Nhưng lý do quan trọng nhất để chúng tôi đàm phán về các tiêu chuẩn này là tiêu chuẩn của TPP là có nhiều điểm tương đồng với chuẩn mực Việt Nam hướng tới như: doanh nghiệp Nhà nước. Chính phủ và người dân Việt Nam đều mong muốn doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam hoạt động minh bạch hơn, hiệu quả hơn, nên chương doanh nghiệp Nhà nước của TPP phù hợp triết lý quản lý hiện tại của Việt Nam. Tất cả người dân đều mong muốn cuộc chống tham nhũng đạt nhiều kết quả hơn nữa, đời sống hàng ngày không gặp nhiều điều “trái khoáy” hơn nữa, muốn mua sắm Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn... Những điều này đều có trong tiêu chuẩn TPP. Chính phủ Việt Nam thấy nhiều quy định trong TPP tương đồng chủ trương, chính sách của mình và phù hợp với mong muốn của người dân Việt Nam nên chúng tôi đồng ý.

Doanh nghiệp Việt - Mỹ gặp gỡ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama

- Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hoa Kỳ quan tâm làm sao bán sản phẩm và đầu tư vào sản xuất ở Việt Nam nhiều hơn?

- TPP không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam. Ở đây, chúng tôi không muốn nói quá nhiều đến dệt may, giày dép và thủy sản, những mặt hàng đã xuất khẩu nhiều vào Hoa Kỳ. Tôi tin tưởng, TPP mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp và hàng hóa Hoa Kỳ vào Việt Nam. Từ  năm1996, khi Việt Nam- Hoa Kỳ đàm phán song phương, Hoa Kỳ đã đề nghị xóa bỏ thuế nhập khẩu với thịt bò nhập khẩu của Hoa Kỳ nhưng chúng tôi không đồng ý. Tại TPP, lần đầu tiên Việt Nam đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu cho thịt gà, thịt bò, thịt lợn và nông sản của Hoa Kỳ xuất khẩu vào Việt Nam, tất nhiên là theo một lộ trình dài. Vì vậy, xuất khẩu của doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ tăng. Chúng tôi cũng mong nhập khẩu nhiều từ thị trường Hoa Kỳ máy móc thiết bị, nguyên liệu sản xuất...  Chúng tôi hy vọng các chuỗi sản xuất lớn sẽ tìm đến Việt Nam như 1 địa điểm sản xuất quan trọng của họ. Theo thời gian, doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

- Cam kết về môi trường và lao động trong TPP khá chặt chẽ. Quan điểm của ngài như thế nào về vấn đề này?

- Khi đàm phán về thương mại về môi trường và lao động, chúng tôi gửi tín hiệu mạnh: cam kết không vì phát triển kinh tế mà quên đi môi trường và quyền cơ bản của người lao động. Chúng ta đang sống trong thế giới có sự cạnh tranh bình đẳng. Là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng kinh tế quốc tế và tổ chức lao động quốc tế, Chính phủ Việt Nam không bao giờ quên vấn đề môi trường và quyền cơ bản của người lao động.

- Quá trình phê chuẩn TPP của Việt Nam sẽ diễn ra như thế nào?

- Theo quy định, nếu muốn trình Hiệp định ra Quốc hội để được xem xét phê chuẩn, Chủ tịch nước phải trình Quốc hội tối thiểu 30 ngày trước khi kỳ họp bắt đầu. Hiện nay, Bộ Công Thương đang trình Chính phủ xem xét, sau đó sẽ gửi sang Chủ tịch nước để xem trước khi trình Quốc hội. Có thể, trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, TPP sẽ được trình. Nhưng phê duyệt thời điểm nào chúng tôi chưa thể khẳng định. Quốc hội phê chuẩn rồi chúng tôi mới trình Quốc hội những điều luật phải sửa đổi để phù hợp với hiệp định.