TP. HCM: Tổng thu ngân sách 10 tháng là 312.000 tỷ đồng, đạt 86% kế hoạch được giao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 12-11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, tham gia tranh luận, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) vui mừng thông báo, tổng thu ngân sách 10 tháng của Thành phố đạt 312.000 tỷ đồng (86% so với kế hoạch được giao). Tại khu công nghệ cao đã có 100% doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Cũng theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, TP. HCM sau 1 tháng “bình thường mới” đã có chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng qua đạt 29 tỷ USD. Tại 17 cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất có 1.355 doanh nghiệp hoạt động trở lại chiếm 96%.

Tổng thu ngân sách 10 tháng của Thành phố đạt 312.000 tỷ đồng (86% so với kế hoạch được giao), trong đó thu về xuất nhập khẩu và hải quan đạt 99.700 tỷ đồng (chiếm trên 92% so với kế hoạch). Từ nay đến cuối năm, Thành phố sẽ quyết tâm đạt thu ngân sách theo dự toán.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. HCM) phát biểu tranh luận

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP. HCM) phát biểu tranh luận

Cùng tranh luận tại hội trường về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, cần đánh giá kỹ thực trạng các doanh nghiệp rút khỏi thị trường thời gian qua, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; cần có các gói hỗ trợ doanh nghiệp này về thuế, vốn… để chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2022 là từ 6-6,5%. Đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn vai trò của ngân hàng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua cũng như các giải pháp thời gian tới.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) tranh luận về gói hỗ trợ sau đại dịch và gói hỗ trợ nếu đủ lớn thì có thể tăng bội chi ngân sách, còn không đủ thì sẽ khó phục hồi kinh tế.

Đại biểu cho rằng, trong các báo cáo của Chính phủ thì thấy các gói hỗ trợ này còn riêng lẻ, chưa có kế hoạch tổng thể cũng như dự báo về ngân sách, tài khóa và tiền tệ mà chúng ta đang dành cho nền kinh tế. Cùng với đó là các nguồn lực của xã hội hỗ trợ cho phục hồi nền kinh tế.

Trả lời các tranh luận trên của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết việc tăng bội chi, nợ công cũng như khả năng hấp thụ của nền kinh tế có phá vỡ hệ thống tài chính, ngân hàng hay không đã được Bộ nghiên cứu, tính toán rất kỹ. Việc này đã được Chính phủ giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tính toán rất kỹ để vừa bảo đảm cân đối vĩ mô, vừa bảo đảm phục hồi phát triển kinh tế.

Về vấn đề đầu tư công, Bộ trưởng nhận định, đây là khó khăn lâu nay mà chúng ta chưa giải quyết được triệt để nhằm thúc đẩy trong thời gian tới. Nếu những khó khăn trong đầu tư công không được giải quyết thì gói kích thích kinh tế sắp tới cũng khó có thể giải ngân được.

Về những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, Bộ trưởng cho biết do tổng thầu, sản lượng và doanh thu giảm nên gây khó cho doanh nghiệp. Cùng với đó là các chi phí của doanh nghiệp cao, nguồn nguyên vật liệu khó khăn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, và khó khăn về chuyên gia, lao động. Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 thì tình hình đã bắt đầu khởi sắc, nhiều doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất đến 80%, lao động trở lại làm việc.

Bộ trưởng chỉ ra 5 khó khăn với doanh nghiệp trong thời gian tới, như vốn, lao động, công tác phòng, chống dịch… “Thời gian qua, chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ doanh nghiệp “khỏe” tức là có doanh thu, còn các doanh nghiệp “yếu” thì chưa được quan tâm hỗ trợ. Vì thế, sắp tới Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp “yếu” này khi họ không có doanh thu” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa, Bộ trưởng cho biết nếu chúng ta không nới trần nợ công và bội chi thì không có nguồn lực phát triển, ngược lại nếu nới cao thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế khi nợ công tăng cao. Vấn đề ở đây là nới bao nhiêu và ở mức nào phù hợp là điều mà Bộ đang nghiên cứu, xây dựng các kịch bản để phù hợp với tình hình thực tiễn.