Tổng thống mới của nước Mỹ tác động đến dòng chảy thương mại thế nào?

ANTD.VN - Sự kiện nước Mỹ có Tổng thống mới tác động mạnh mẽ tới kinh tế thương mại của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên hành lang Quốc hội chiều 10-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
Tổng thống mới của nước Mỹ tác động đến dòng chảy thương mại thế nào? ảnh 1

- PV: Sau sự kiện ông Donald Trump trở thành tân Tổng thống Mỹ, có ý kiến lo ngại việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ cũng có thể gặp khó khăn, quan điểm của Bộ trưởng ra sao? 

- Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Điều này khó nói trước bởi một Tổng thống mới cần phải có thời gian. Tất nhiên, diễn biến có thể khá phức tạp, không giống như dự đoán và chắc chắn với Tổng thống mới của Mỹ như ông Donald Trump, sẽ có những động thái ảnh hưởng đến tâm lý cũng như tác động đến các dòng chảy thương mại của thế giới. Chúng ta phải đợi xem, vì từ những thông tin, quan điểm trong vận động tranh cử đến thực thi chính sách của chính thể mới là cả một quá trình.

- Thời điểm này, chúng ta có nên đưa ra các tình huống không, thưa Bộ trưởng?

- Chúng ta có quan điểm, chính sách nhất quán trong việc hội nhập chủ động, sâu, rộng với thế giới. Trước bất cứ thay đổi hay tình hình phức tạp nào, chúng ta còn thời gian để dự báo, xây dựng phương án ứng phó nhưng đều phải dựa trên cơ sở của các chính sách đối ngoại. Chúng tôi đang theo dõi sát sao và sớm có những báo cáo, đánh giá, kiến nghị với Chính phủ về các biện pháp, các công việc cần triển khai trong thời gian tới.

- Các doanh nghiệp khối thủy sản, dệt may liệu có gặp khó khăn hay không, thưa ông?

Tổng thống mới của nước Mỹ tác động đến dòng chảy thương mại thế nào? ảnh 2

“Hội nhập chủ động, sâu, rộng với thế giới là chính sách nhất quán của Việt Nam” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định

- Quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam được định hướng theo đa phương hóa, đa dạng hóa. Bản thân Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP cũng là một trong số các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Bên cạnh TPP, chúng ta có rất nhiều hiệp định thương mại tự do khác đã và đang được ký kết. Song như tôi đã nói, hiện còn rất sớm để có thể đưa ra các đoán định tương lai của TPP, nhưng cho dù trong trường hợp nào chúng ta cũng luôn sẵn sàng vì hội nhập của chúng ta không chỉ phụ thuộc vào TPP mà nó là yêu cầu, đồng thời là động lực để thúc đẩy phát triển.

Nếu TPP tiếp tục triển khai thuận lợi thì chắc chắn cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là các ngành  có lợi thế cạnh tranh như dệt may, thủy sản, da giày sẽ thuận lợi hơn. Nhưng nếu không thì vẫn có các thị trường khác trên thế giới, các ngành kinh tế này vẫn có sự cạnh tranh, khẳng định sự thâm nhập thị trường rất tốt. Vì vậy, có thể thấy rằng, bên cạnh sự phức tạp của tình hình thế giới ở các vấn đề chính trị, đối ngoại thì chúng ta vẫn có niềm tin về sự cạnh tranh của nền kinh tế trong hội nhập.

- Cá nhân Bộ trưởng có cảm thấy lo ngại về xu hướng thương mại mới sau khi Tổng thống Mỹ nhậm chức?

- Có lẽ cần nói rõ là chúng ta đang bơi ra biển lớn bằng chính sức lực của mình. Vì vậy, con thuyền của Việt Nam bắt buộc phải đương đầu với mọi sóng gió, thử thách. Dù sóng to gió lớn đến mấy, nếu quyết tâm, chúng ta vượt qua được, sẽ tiếp tục bơi xa, vươn xa hơn nữa.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!