Tổng Bí thư: Nếu cán bộ nào ngoan cố thì phải xử lý, ai đã trót “nhúng chàm” rồi thì rửa tay đi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã họp và nêu tên từng vụ sắp tới sẽ làm, nếu cán bộ nào ngoan cố thì phải xử lý, ai đã trót “nhúng chàm” rồi thì rửa tay đi...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ĐBQH đoàn Hà Nội dự buổi tiếp xúc cử tri

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ĐBQH đoàn Hà Nội dự buổi tiếp xúc cử tri

Sáng nay, 19-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị bầu cử số 1 TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Hà Nội đều bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước kết quả to lớn mà nước ta đã đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2022 như báo cáo tại kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV đã nêu.

Đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, cử tri Nguyễn Văn Chương (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) bày tỏ, công tác này được Đảng, Nhà nước thực hiện mạnh mẽ, với quyết tâm cao, không có vùng cấm và đạt đã thành quả rất đáng trân trọng.

Dù vậy, cử tri cũng còn lo ngại về tình hình tội phạm tham nhũng, lợi ích nhóm, tội phạm kinh tế không giảm, có chiều hướng tăng, phạm vi ngày càng mở rộng ra khắp lĩnh vực, từ trung ương đến địa phương, với thủ đoạn hết sức tinh vi phức tạp. Trong khi đó, hình phạt chưa đủ sức răn đe.

Một số cử tri khác đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo, điều hành, ổn định tình hình trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực ngân hàng, đầu tư nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội

Thay mặt đoàn ĐBQH TP Hà Nôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trân trọng tiếp thu những ý kiến tâm huyết, xác đáng của đông đảo cử tri trên địa bàn.

Trao đổi với thêm với các cử tri về một số nội dung cụ thể, Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó lường trong năm nay nhưng đất nước ta vẫn đạt được những thành quả hết sức quan trọng, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Đó là kết quả của sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng, nỗ lực vượt khó khăn của các ngành, các cấp, của cử tri và nhân dân.

Về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, công cuộc phòng chống tham nhũng đã trở thành xu thế, cuộc đấu tranh này phải kiên quyết, kiên trì lâu dài, tiếp tục thực hiện không ngừng nghỉ nhưng cũng không được chủ quan.

Theo Tổng Bí thư, hiện nay, không chỉ có Ban Chỉ đạo Trung ương, mà 100% tỉnh, thành đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng cấp tỉnh. Tổng Bí thư nhấn mạnh, ai trong Ban Chỉ đạo mà tham nhũng thì xử lý trước. Tham gia vào Ban Chỉ đạo mà còn tham nhũng là không được.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hôm qua (18-11), Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực họp đã thống kê bao nhiêu vụ đã làm và sắp tới sẽ làm vụ nào, kể tên từng vụ, không có gì bí mật khiến “khối anh sợ”. “Không thể không làm vì đã rõ quá” - Tổng Bí thư nói.

Cũng theo Tổng Bí thư, Trung ương đã có chủ trương khuyến khích cán bộ có sai phạm thì tự giác xin thôi việc, tự giác nộp lại tiền của đã tham ô, tham nhũng thì sẽ được miễn giảm xử nhẹ hơn. Đây là cái nới, rất nhân văn.

“Không phải xử nặng mới là tốt, không phải cách hết chức vụ mới là tốt” - Tổng Bí thư nói và đề cập đến việc 3 Ủy viên Trung ương tự giác xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương sau khi bị kỷ luật. Tổng Bí thư nhấn mạnh, nếu cán bộ nào ngoan cố thì phải xử và hiện nay đang làm một số vụ.

“Đây là cuộc đấu tranh nội bộ trong chính chúng ta, trong mỗi con người chúng ta, cho nên phải làm kiên trì, làm bền bỉ, phương pháp đúng, nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, chứ không phải cốt xử nặng. Chúng ta khuyến khích ai đã trót “nhúng chàm” rồi thì rửa tay đi” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Đề cập đến những vụ mà khi xảy ra thì có người trốn đi nước ngoài, Tổng Bí thư cho biết, trốn đi nước ngoài thì thực hiện các biện pháp để bắt về nước rồi xử lý, trường hợp đã thực hiện các biện pháp mà không có kết quả thì xử vắng mặt.

“Luật pháp của chúng ta cho phép xử vắng mặt, trốn cũng không được, trốn đi vẫn có quyền xử vắng mặt, tuyên bố công khai. Phải phòng chống tham nhũng quyết liệt, nếu không hư hỏng bộ máy” - Tổng Bí thư nói rõ.