Tôm tăng giá kỷ lục vì thương lái "té nước theo mưa"

ANTĐ - Ghi nhận tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội những ngày gần đây cho thấy, mặt hàng tôm đã tăng giá mạnh. Trong khi đó, giá các loại hải sản khác như cua, ghẹ, ngao, sò… vẫn giữ nguyên.

Tôm tăng giá kỷ lục vì thương lái "té nước theo mưa" ảnh 1Giá tôm tại các chợ trên địa bàn Hà Nội tăng vọt

Vựa tôm bất ngờ vì giá tăng vọt

Cụ thể, tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), giá tôm rảo dao động ở mức 180.000 -250.000 đồng/kg, tùy loại to nhỏ, tăng khoảng 70.000 đồng/kg; giá tôm thẻ tăng từ 200.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg; tôm đồng loại to, tôm đồng loại có trứng cũng tăng thêm khoảng 50.000-80.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg. Ngoài ra, giá tôm sú cũng tăng thêm 70.000 đồng/kg lên mức 450.000 đồng/kg.

Vào thời điểm này hàng năm, nguồn cung tôm ở các tỉnh phía Bắc thường thiếu hụt do các hộ nuôi tôm chuẩn bị vào vụ thả mới nhưng giá tôm cũng chỉ tăng 20.000-30.000 đồng/kg bởi đã có nguồn cung từ các tỉnh phía Nam chuyển ra. Chị Nguyễn Hoài Thu ở Lê Văn Lương, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, chị phải mua tôm với giá 280.000 đồng/kg, trong khi đầu tháng 3, giá tôm chỉ ở mức 220.000 đồng/kg, loại tôm thẻ to. “Thấy giá tăng mạnh tôi thắc mắc thì chị bán hàng bảo, tôm đợt này đang khan do nguồn cung giảm, bởi các tỉnh phía Nam đang bị hạn hán nên không nuôi được nhiều”, chị Thu cho biết.

Tuy nhiên, tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang trải qua đợt hạn hán kỷ lục và cũng là vựa nuôi trồng thủy, hải sản lớn của cả nước, giá tôm thương phẩm chỉ tăng nhẹ. Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu bất ngờ với thông tin, giá tôm thẻ tại thị trường miền Bắc tăng cao kỷ lục như hiện nay. Ông Lương Ngọc Lân thông tin, tại tỉnh Bạc Liêu, giá tôm thẻ dao động từ 100.000-110.000 đồng/kg, tùy loại.

Đáng nói, dù tỉnh Bạc Liêu có đến 13.800ha cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn nhưng diện tích nuôi tôm vẫn giữ nguyên. “Hiện nay, bà con đã thu hoạch xong tôm vụ Đông, đang chờ nước để xuống giống tôm vụ Hè Thu nhưng do khô hạn kéo dài, xâm nhập mặn mạnh khiến độ mặn trong nước cao nên người dân chậm xuống giống”, Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết. 

Té nước theo mưa

Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm, một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của đợt hạn mặn kỷ lục cho biết, hiện nước ngọt ở thượng nguồn vẫn chưa về đến Kiên Giang và toàn tỉnh có tới 56.500ha cây trồng bị ảnh hưởng. “Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm vẫn giữ vững ở mức 79.000ha, sản lượng giảm nhẹ nhưng không đáng kể. Trong đó, diện tích tôm nuôi công nghiệp của tỉnh khoảng 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch”, ông Nguyễn Văn Tâm thông tin. Hiện, giá tôm thương phẩm trên thị trường tỉnh Kiên Giang dao động ở mức 110.000-120.000 đồng/kg, tùy loại. “Giá này so với cách đây hơn 1 tháng có tăng nhẹ nhưng không tăng quá mạnh như thị trường miền Bắc”, lãnh đạo Sở NN&PTNT khẳng định.

Bộ NN&PTNT thông tin, giá tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ từ giữa tháng 3 trở lại đây. Cụ thể tại Sóc Trăng, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg, từ mức 80.000 đồng/kg tăng lên 92.000 đồng/kg; tăng mạnh nhất là giá tôm thẻ cỡ 40 con/kg, từ 145.000 đồng/kg tăng lên 161.000 đồng/kg, còn giá tôm thẻ các loại khác tăng bình quân 10.000 đồng/kg.

Ngoài ra, theo báo cáo của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích và sản lượng tôm nước lợ 3 tháng đầu năm 2016 chỉ giảm nhẹ, cụ thể tôm sú diện tích ước đạt 505.981 ha, tăng 3%, sản lượng ước đạt 34.958 tấn (tăng 1%); tôm thẻ chân trắng diện tích ước đạt 15.139ha (giảm 2%), sản lượng ước đạt 18.980 tấn (giảm 2%). 

Có thể thấy, tình hình hạn hán kỷ lục ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tác động đến sản lượng nông lâm thủy sản cung cấp ra thị trường cả nước. Tuy nhiên, diện tích nuôi trồng và sản lượng tôm giảm không đáng kể, giá có tăng nhưng ở mức rất nhẹ. Giá tôm tại thị trường Hà Nội tăng mạnh là do thương lái “té nước theo mưa” chứ không phải do hạn hán ở phía Nam.