Tinh vi thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân hàng

ANTD.VN - Bỏ tiền ra mua đất giá trị thấp, nhóm tội phạm sau đó tẩy xóa, sửa chữa giấy chứng nhận, chuyển những mảnh đất này ra vị trí có giá trị cao, rồi mang thế chấp vay tiền và chiếm đoạt...

Những bất thường được phát hiện qua rà soát

Từ kết quả điều tra, TAND TP Hà Nội vừa đưa Nguyễn Thị Dung (SN 1989, trú ở thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) ra xét xử và tuyên phạt bị cáo này tổng cộng 26 năm tù về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Liên quan, Nguyễn Thị Thảo (SN 1993, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bị tuyên phạt cổng cộng 14 năm tù về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Nguyễn Xuân Thủy (SN 1983, ở TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 20 năm tù; Đinh Xuân Dương (SN 1977, ở huyện Sóc Sơn) 14 năm tù;

Nhóm tội phạm dùng thủ đoạn tinh vi lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân hàng bị đưa ra xét xử.

Nhóm tội phạm dùng thủ đoạn tinh vi lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân hàng bị đưa ra xét xử.

Tiếp đến là Tống Văn Tuấn (SN 1989, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị tuyên phạt 12 năm tù; Nguyễn Thị Thảo (SN 1993, ở huyện Sóc Sơn) 14 năm tù; Nhữ Thị Thủy (SN 1981, ở huyện Sóc Sơn) 11 năm tù và Nguyễn Hồng Hạnh (SN 1981, ở huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) 11 năm tù.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 31-12-2020, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội nhận được đơn tố giác của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tố giác Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Văn Thủy, Đinh Xuân Dương và 5 khách hàng sử dụng tài liệu giả vay vốn và sau đó chiếm đoạt tiền của ngân hàng này.

Cụ thể, qua công tác quản trị rủi ro, ngân hàng tiến hành kiểm tra, rà soát hồ sơ tín dụng của 5 khách hàng trên và phát hiện các hợp đồng vay vốn có tài sản đảm bảo đều là các thửa đất nằm trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Tại các hồ sơ vay vốn, khách hàng cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại VPBank. Tất cả các sổ đỏ của 5 khách hàng trên đều nằm cạnh đường Quốc lộ 3, Quốc lộ 2, thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn. Các sổ đỏ này đều có dấu hiệu bị chỉnh sửa, tẩy xóa tại phần “III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Biến đất trong ngõ, xóm thành đất mặt đường

Quá trình điều tra xác định, từ tháng 12-2019 đến tháng 4-2020, Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Xuân Thủy, Đinh Xuân Dương bàn bạc, thống nhất với nhau về việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Thủ đoạn của các bị cáo là tìm mua các thửa đất trong ngõ, xóm, có giá trị thấp, rồi chỉnh sửa thông tin trên các sổ đỏ tương ứng và hồ sơ vay vốn thành các thửa đất nằm ở những vị trí ngoài mặt đường Quốc lộ 2, Quốc lộ 3 có giá trị cao, rồi đem thế chấp, vay tiền ngân hàng và chiếm đoạt.

Trong đó, Đinh Xuân Dương là người tìm đất trong ngõ, xóm và đất mặt đường Quốc lộ 2 và Quốc lộ 3; Nguyễn Xuân Thủy là người ứng tiền trước để mua đất. Sau khi Dương liên hệ được chủ đất và thống nhất giá cả, Dung thuê Tống Văn Tuấn, Nhữ Thị Thủy, Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Hồng Hạnh và Hoàng Văn Hùng (do Nguyễn Xuân Thủy giới thiệu) đứng tên hồ sơ mua bán đất, hồ sơ vay vốn tại ngân hàng. Những người đứng tên trên hồ sơ mua bán đất và vay vốn được Dung trả công 10% trên tổng số tiền ngân hàng giải ngân.

Sau khi ký xong hợp đồng mua bán đất, Dung là người trực tiếp chỉnh sửa, sửa chữa 6 sổ đỏ đất từ vị trí trong ngõ xóm ra mặt đường Quốc lộ 2 và Quốc lộ 3. Cách thức bị cáo này thực hiện là dùng dao lam cạo xóa đường chỉ giới, rồi viết hoặc in thêm chữ QL2, QL3 trên sơ đồ thửa đất của sổ đỏ. Mục đích để mang đi thế chấp vay ngân hàng với số tiền nhiều hơn so với giá trị thực tế của thửa đất.

Để được ngân hàng cho vay vốn và giải ngân, bộ đôi Dung, Thảo còn có hành vi làm giả 5 giấy xác nhận đóng dấu giả của một số chính quyền xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Từ những hồ sơ vay vốn được tạo dựng bằng tài liệu giả, ngân hàng sau đó đã giải ngân, chuyển tiền vào tài khoản của chủ đất (những bị cáo đứng tên mua đất cho nhóm Dung).

Với thủ đoạn nêu trên, từ tháng 12-2019 đến tháng 4-2020, tổng số tiền VPBank đã giải ngân và bị Dung cùng đồng phạm chiếm đoạt là hơn 10,4 tỷ đồng.

Trong đó, Nguyễn Xuân Thủy hưởng lợi hơn 1 tỷ đồng; Nguyễn Thị Dung hưởng lợi hơn 5,2 tỷ đồng; Nguyễn Hồng Hạnh lừa đảo chiếm đoạt gần 2,5 tỷ đồng, hưởng lợi 200 triệu đồng; Nhữ Thị Thủy lừa đảo chiếm đoạt gần 2,4 tỷ đồng, hưởng lợi 120 triệu đồng...

Tính đến ngày 29-12-2020, nợ gốc đối với hồ sơ vay vốn đứng tên Nguyễn Hồng Hạnh là hơn 2,45 tỷ đồng; hồ sơ vay vốn mang tên Nhữ Thị Thủy là hơn 2,34 tỷ đồng; hồ sơ đứng tên Nguyễn Thị Thảo hơn 2,7 tỷ đồng và hồ sơ vay vốn mang tên Tống Văn Tuấn là hơn 2,86 tỷ đồng.

Ngoài hành vi nêu trên, Nguyễn Xuân Thủy còn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 5,9 tỷ đồng của Ngân hàng SHB.

Cụ thể, với mục đích chiếm đoạt tiền của ngân hàng SHB, ngày 30-1-2016, Nguyễn Xuân Thủy ký Hợp đồng tín dụng vay 5,9 tỷ đồng với thủ đoạn gian dối. Thủy mua mảnh đất tại số 7 hẻm 4 ngách 35 ngõ 141 phố Nam Dư trong ngõ nhỏ thuộc phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội nhưng kê khai tài sản đảm bảo nằm ở vị trí ngoài mặt đường để thế chấp ngân hàng.

Mục đích của Thủy là tăng giá trị tài sản đảm bảo để được vay số tiền 5,9 tỷ đồng, lớn hơn giá trị thực. Trong thời gian từ ngày 25-2-2016 đến ngày 1-1-2017, Thủy đã trả cho ngân hàng số tiền gần 560 triệu đồng tiền lãi và phí, sau đó không trả nữa. Hiện bị cáo này còn chiếm đoạt của SHB số tiền hơn 5,3 tỷ đồng.