Tình thế… thế thôi!

(ANTĐ) - Phải thừa nhận rằng, hồi cuối năm 2009, khi Hà Nội có sáng kiến cải tiến cách tổ chức giao thông bằng cách: Bịt các ngã tư đường, buộc các phương tiện giao thông quay đầu ở những đoạn mở mới, dư luận và công luận hầu như đều hoan nghênh.

Tình thế… thế thôi!

(ANTĐ) - Phải thừa nhận rằng, hồi cuối năm 2009, khi Hà Nội có sáng kiến cải tiến cách tổ chức giao thông bằng cách: Bịt các ngã tư đường, buộc các phương tiện giao thông quay đầu ở những đoạn mở mới, dư luận và công luận hầu như đều hoan nghênh.

Người tham gia giao thông cũng hỗ hởi đón nhận, bởi các dòng xe cộ ùn tắc, dồn ứ nghẽn cứng tại các ngã tư… đã được khơi thông và “chảy” vào những lối thoát mới. Cũng phải thừa nhận, với giải pháp này, bước đầu đã cải thiện được một phần tình trạng giao thông hỗn loạn tại các ngã tư, giảm ùn tắc tại 70 nút giao thông và 5 tuyến đường thường xuyên tắc nghẽn.

Khách quan mà nói, cách tổ chức giao thông vừa qua đã được tính toán khá kỹ. Đó là tạo dòng quay đầu hoàn toàn tại nút giao cắt, đóng dải phân cách tại các nút giao và mở dải phân cách tại 2 vị trí ngoài nút giao để buộc các dòng xe cộ quay đầu tại các vị trí này. Phối hợp phân luồng giao thông và tạo luồng quay đầu. Giữ nguyên không gian lòng nút, mở dải phân cách ngoài lòng nút để tạo điểm quay đầu. Một số hướng giao thông phải quay đầu để qua nút. Tuy tính toán là vậy, nhưng trên đường sá lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thừa nhận, trong quá trình thực hiện điều chỉnh, cải tạo giao thông, Sở đã gặp một số khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả của các nút giao thông, đặc biệt là tại các nút đồng mức. Các giải pháp thực hiện chủ yếu mang tính tình thế, trong khi thực tế lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng. Hiện trên địa bàn Hà Nội có hơn 400.000 ôtô các loại, hơn 3 triệu xe máy, 1 triệu xe đạp và 300 xe xích lô. Số phương tiện cá nhân tăng quá nhanh từ 10-15%. Tỷ lệ ôtô tham gia giao thông chiếm tới 20-30% dòng phương tiện. Đặc biệt, tỷ lệ tăng xe cơ giới 4 bánh trong dòng giao thông tăng 12-14%/năm.

Trong khi đó, năng lực thông xe của các tuyến, nút giao thông của Thủ đô không đủ đáp ứng nhu cầu thông hành của các phương tiện. Giải pháp tình thế đã bộc lộ những hệ lụy “phi tình thế”: Nguy cơ tai nạn giao thông tăng cho người đi bộ tại các vị trí tạo dòng quay đầu do tốc độ giao thông cao trên hướng ưu tiên. Tiếp đó là tình trạng ùn tắc tại các vị trí có phương tiện lớn như xe buýt, xe khách, xe tải quay đầu ở nơi có mặt đường nhỏ hẹp. Chính lưu lượng thông hành qua nút quá cao đã gia tăng sức ép về lưu lượng tại các nút giao cắt kế cận, làm tăng nguy cơ và “tái phát” các điểm ùn tắc mới.

Báo chí đã phản ánh những bất cập trong cách tổ chức giao thông của Hà Nội theo hướng đường phố không còn ngã tư, gây rối thêm cho giao thông đô thị tưởng chừng đã được gỡ rối phần nào. Bởi vậy, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, “tác giả” của giải pháp tình thế này đã tỏ ra hết sức cầu thị, kêu gọi tất cả các ngành các nhà khoa học cũng như những cá nhân có tâm huyết cùng đóng góp ý kiến, “hiến kế” chung tay trong việc tổ chức cho giao thông. Lời kêu gọi tha thiết này phần nào cho thấy sự lúng túng của cơ quan chức năng trong việc giải “bài toán” tổ chức giao thông đô thị ở Hà Nội cũng như TP.HCM và các thành phố khác.

Cũng nên nhớ rằng, chúng ta đã mời chuyên gia giao thông từ Nhật Bản sang để tư vấn “gỡ rối”. Song có thể nói là “lực bất tòng tâm”. Những tồn tại, bất cập trong cách tổ chức giao thông mới, tất nhiên sẽ phải điều chỉnh, nghiêm túc khắc phục. Thế nhưng, khi mà Hà Nội chưa có tuyến đường vành đai nào hoàn chỉnh theo quy hoạch, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn thiếu và phân phối chưa hợp lý, diện tích dành cho giao thông động và tĩnh không “chạy” theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện thì rõ ràng giải pháp tình thế cũng đến thế mà thôi!

Phó Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông, tăng cường xử lý các vi phạm TTATGT. Hơn thế, Hà Nội cần sớm triển khai việc di dời trụ trở các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô. Đây mới là giải pháp căn cơ, bền vững cho vấn nạn giao thông Thủ đô.

Đan Thanh