Tinh giản, không đơn giản

ANTĐ - Hiện nay, số cán bộ, công chức nhà nước ước tính trên 2,5 triệu người. Số lượng lớn nhưng thực tế giải quyết công việc, dịch vụ đang có nhiều bất cập, chậm trễ, kém hiệu quả, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Dự thảo Nghị định tinh giản biên chế giai đoạn 2014-2020 của Bộ Nội vụ sẽ tinh giản 100.000 biên chế nhà nước. Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về tính hiện thực và khả năng thực hiện mục tiêu này.

Mặc dù dự thảo Nghị định đã nêu rõ, trong số 100.000 người thì có đến 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và chỉ có 20% giải quyết thôi việc. Trong khi đó, con số thống kê qua báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Còn truyền thông lại cho rằng có tới 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và khoảng 30% phải cầm tay chỉ việc.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội nhấn mạnh, không thể tinh giản một cách cơ học. Vấn đề là tinh giản ở bộ phận nào, hành pháp, tư pháp, lập pháp hay tổ chức chính trị xã hội? Cần phải làm rõ con số này chiếm chính xác bao nhiêu phần trăm trong tổng số công chức, viên chức đang làm việc? Cần phải bổ sung thêm đối tượng là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, nếu không làm được việc cũng phải đưa vào diện tinh giản. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương, chất lượng công chức cũng đã được đánh giá.

Theo đó, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có khoảng 1/3 không đảm bảo yêu cầu công việc; 1/3 công chức “chỉ đâu đánh đấy” và 1/3 còn lại phải làm việc quá sức, gồng gánh công việc của cả bộ máy. Từ đó đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy chất lượng của 1/3 không làm được việc tăng hay giảm. Dự thảo nghị định cũng đưa ra những tiêu chí đánh giá để loại khỏi bộ máy những công chức, viên chức yếu kém, kể cả đưa những người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước ra khỏi biên chế, khi doanh nghiệp không còn cổ phần của nhà nước. Những tiêu chí cụ thể này là rất đúng, nhưng để vận dụng ngay vào thực tế là cả một vấn đề lớn. Theo Ủy viên Hội đồng khoa học thuộc Viện Khoa học tổ chức nhà nước, tinh giản là vấn đề phức tạp, lâu dài, không đơn giản chỉ là “chiếc xe đông thì giảm bớt người xuống”. Thực tế những năm qua cho thấy, muốn tinh giản thì trước hết phải có chất lượng biên chế cao, khi đó mới cắt giảm được số lượng, nếu không sẽ là ngược lại, biên chế phình to hơn.

Tinh giản biên chế, rõ ràng là không đơn giản. Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, để không xảy ra tình trạng “càng tinh càng tăng” thì không thể giảm cơ học mà phải đặt ra cơ chế tự loại trừ để giảm biên chế. Ở đâu có chính quyền là có các cơ quan khác đi kèm, bộ máy cồng kềnh nên có thể tinh giản được.