Tín hiệu từ nhập siêu

ANTĐ - Nhiều năm trước, tỷ lệ nhập siêu luôn là nỗi lo của nền kinh tế vốn chủ yếu sống bằng nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Từ hơn hai năm nay, nhất là khi kinh tế rơi vào tình trạng đình đốn, suy giảm, thì nhập siêu lại được “mong chờ” như một tín hiệu đáng mừng chứng tỏ sự phục hồi sản xuất. Trong 5 tháng đầu năm nay, nhập siêu của cả nước đã lên tới 1,9 tỷ USD, chỉ riêng tháng 5 nhập siêu đã đạt 1,2 tỷ USD. Sau 2 tháng xuất siêu, nhập siêu quay trở lại từ tháng 3, tăng nhẹ trong tháng 4 và tăng mạnh trong tháng 5.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng qua, tỷ lệ nhập siêu bằng 3,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong khi khối doanh nghiệp nước ngoài có mức xuất siêu 4 tỷ USD khi kim ngạch xuất khẩu đạt 32,7 tỷ USD, thì khối doanh nghiệp trong nước lại nhập siêu tới 5 tỷ USD khi kim ngạch xuất khẩu là 17,2 tỷ USD. Các con số “khô khan” này nói lên điều gì? Theo giới chuyên gia phân tích, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước tăng tới 7,6% trong tháng 5, sau khi đã tăng mạnh trên 10% trong tháng 4. Nhìn vào cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, điều đáng mừng là hầu hết nằm trong danh mục mặt hàng thiết yếu như nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, nhất là nhóm hàng nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu, gia công tiếp tục tăng. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2012 như điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị, phụ tùng; nguyên phụ liệu dệt may, giầy dép, sắt thép; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu…

Chính việc tăng mạnh nhập khẩu nhóm hàng nguyên vật liệu đã trở thành chất xúc tác lớn, thúc đẩy xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên 6,8% so với cùng kỳ. Đây cũng là đòn bẩy nâng kim ngạch xuất khẩu hàng loạt mặt hàng lên đến hàng tỷ USD như điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện. Mặc dù nhập siêu trong bối cảnh sản xuất gặp nhiều khó khăn, được xem là tín hiệu khả quan, song theo giới phân tích, điều này cũng chỉ nên xem xét trong ngắn hạn. Có nghĩa là chấp nhận nhập siêu để nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước. Còn về lâu dài, nhập siêu như hiện nay chứng tỏ sản xuất trong nước vẫn sống “tầm gửi”, lệ thuộc quá nhiều và quá lâu vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ các quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước vẫn yếu thế và lép vế. Đáng lo ngại, ngay cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vốn mạnh về tài chính, công nghệ, trình độ quản lý cũng chủ yếu nhập khẩu đầu vào sản xuất nhằm mục đích gia công hàng xuất khẩu, tận dụng triệt để chi phí lao động rẻ tại Việt Nam.

Tín hiệu từ nhập siêu quả là đáng khích lệ cũng như tín hiệu “hồi sinh” của gần 9.000 doanh nghiệp đã quay trở lại hoạt động từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, từ nhập siêu đến xuất siêu, từ “hồi sinh” đến hồi phục sản xuất là một chặng đường dài không ít gian nan và thách thức ở phía trước.