Tín hiệu tốt lành hiếm hoi

ANTĐ - Trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thoát khỏi trì trệ, lời dự đoán sau 18 năm nữa tình trạng nghèo đói sẽ cơ bản được xóa bỏ trên phạm vi toàn cầu là tín hiệu tốt lành hiếm hoi.

Trẻ em một làng ở Pakistan đang chờ lực lượng cứu trợ

Lời dự báo này được Chủ tịch Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ (NIC), C. Kojm đưa ra tại Diễn đàn an ninh ở thành phố Aspen, bang Colorado hôm 28-7 vừa qua. Theo các chuyên gia, đến năm 2030, tình trạng nghèo đói trên toàn cầu sẽ cơ bản được xóa bỏ. Số người sống dưới mức 1USD/ngày sẽ chỉ còn khoảng 500 triệu so với hơn 1 tỷ người ở thời điểm hiện nay. Trong khi đó, số người thuộc tầng lớp trung lưu sẽ tăng lên khoảng 2 tỷ người, bất chấp những điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay ở một số khu vực. 

Hồi đầu năm, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) ước tính, trên thế giới có khoảng một tỷ người lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Đến cuối tháng 10 này, dân số thế giới sẽ đạt 7 tỷ người. Điều đó có nghĩa, cứ 7 người trên hành tinh thì sẽ có 1 người bị đói, mặc dù thế giới sản xuất đủ lương thực cho tất cả mọi người. Xóa nghèo không phải là mục tiêu bất khả thi nếu các kế hoạch mà thế giới vạch ra được thực hiện theo đúng tiến độ.

Tại Hội nghị lần thứ 4 về các nước nghèo nhất thế giới diễn ra năm ngoái, LHQ đã yêu cầu các nước giàu xóa bỏ hoặc giảm bớt các rào cản thương mại không công bằng và mở cửa thị trường đối với các sản phẩm của các nước nghèo. LHQ cũng kêu gọi các nước giàu cam kết thực hiện mục tiêu trích từ 0,15-0,20% thu nhập quốc gia cho viện trợ phát triển chính thức (ODA). Nếu được thực hiện, các khoản viện trợ sắp tới của các nước sẽ cao hơn nhiều so với hiện nay. 

Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, trong giai đoạn 2011-2014, tổ chức này sẽ nâng tổng số tiền trong quỹ xóa nghèo toàn cầu lên gần 50 tỷ USD nhằm giúp cải thiện đời sống cho những người nghèo khổ nhất tại 79 quốc gia chậm phát triển trên khắp thế giới thông qua các khoản tài chính phi lãi suất. Mục tiêu mà WB đưa ra là chủng ngừa cho 200 triệu trẻ trên toàn cầu, thực hiện những dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với hơn 30 triệu người khác, bên cạnh những dự án nước sạch cho 80 triệu người ở các nước nghèo.

Liên quan đến nỗ lực của từng nước, LHQ kêu gọi các nước quan tâm đến chính sách bảo trợ xã hội cơ bản cho tất cả dân chúng, coi đó là chìa khóa giúp người dân không rơi vào tình trạng cùng cực và bất bình đẳng kinh tế. Các chuyên gia LHQ cho rằng bảo trợ xã hội không phải là “sự ban phát” mà là nhân tố tạo nên các điều kiện giúp xây dựng “chiếc cầu nối” cho những người khó khăn nhất thoát nghèo và bất bình đẳng kinh tế. Các tính toán cho thấy chương trình bảo trợ xã hội cơ bản thường tiêu tốn không quá 3% thu nhập quốc dân (GNI) nhưng là chương trình đầu tư và hoạt động kinh tế thông minh trong chiến lược xóa nghèo.

Nếu các giải pháp quan trọng trên được các nước duy trì, mục tiêu thiên niên kỷ là giảm 1/2 số người nghèo cùng cực, những người có thu nhập dưới 1USD/ngày vào năm 2015, sẽ không phải là viễn cảnh xa vời. Và xa hơn là khả năng thế giới sẽ chấm dứt nạn đói nghèo trên quy mô toàn cầu vào năm 2030.