Tín hiệu tích cực về triển vọng kinh tế châu Á và Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron với khả năng lây lan cao cùng nguy cơ bùng phát thêm các đợt dịch bệnh mới, dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) chảy vào châu Á, trong đó có Việt Nam đang phục hồi nhanh. Đây là tín hiệu báo hiệu sự tăng trưởng tích cực của khu vực trong tương lai.
Dòng vốn FDI chảy mạnh sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022

Dòng vốn FDI chảy mạnh sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022

Dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào khu vực

Tuần trước, hãng điện tử Samsung (Hàn Quốc) đã họp Hội đồng quản trị và quyết định đầu tư 850 triệu USD vào nhà máy sản xuất tại Việt Nam để lắp đặt thiết bị sản xuất mảng lưới bóng chip lật (Flip-chip Ball Grid Array) của chip bán dẫn. Đây là khoản đầu tư mới nhất, bổ sung vào tổng số vốn 17,74 tỷ USD mà Samsung đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 2008 tới nay.

Trước đó, hồi đầu tháng 12-2021, Tập đoàn LEGO của Đan Mạch cũng đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy mới tại tỉnh Bình Dương. Với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, nhà máy chạy bằng năng lượng mặt trời này dự kiến sẽ tạo ra 4.000 việc làm mới, đồng thời góp phần mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu của LEGO.

Đây là những sự kiện mới nhất cho thấy dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Việt Nam và châu Á, bất chấp dòng vốn đầu tư toàn cầu sụt giảm vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo con số thống kê, đại dịch đã khiến dòng vốn FDI toàn cầu giảm mạnh từ mức hơn 1.500 tỷ USD của năm 2019 xuống còn 1.000 tỷ USD trong năm 2020, thấp hơn gần 20% so mức đáy của năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, nửa đầu năm 2021 cho thấy đà phục hồi mạnh hơn dự kiến, khi tổng lượng vốn FDI toàn cầu ước đạt 852 tỷ USD. Xu hướng này tiếp tục kéo dài và đạt mức đỉnh vào tháng 9-2021, khi các nhà đầu tư công bố 1.163 dự án FDI mới trên toàn cầu, trong đó hơn 1/5 vào lĩnh vực phần mềm và dịch vụ CNTT, đặc biệc là đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip và các khoản xây dựng trong lĩnh vực bán dẫn. Chỉ số theo dõi tâm lý nhà đầu tư nước ngoài (fDi) do fDi Markets công bố vọt lên mức 939 điểm trong tháng 9, tăng 27,9% so với một năm trước đó và là chỉ số cao nhất kể từ tháng 11-2019.

Trong số các khu vực, châu Á vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn FDI. Theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), tăng trưởng FDI ở châu Á dự kiến ở mức từ 5 - 10% trong năm 2021. Động lực này được thúc đẩy bởi “thị trường đang phát triển, liên kết khu vực và toàn cầu sâu rộng cùng môi trường đầu tư nhìn chung vẫn mở bất chấp đại dịch”. Ngoài ra, việc xuất hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm tất cả các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand cũng sẽ thúc đầu đầu tư vào khu vực.

Với tổng số 16 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên nằm trong top 20 nước thu hút nhiều FDI nhất trên thế giới. Trong năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng lượng vốn FDI vào Việt Nam vẫn không ngừng tăng, đạt 26,46 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2021. Đây bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Theo Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đăng ký cấp mới của 1.577 dự án được cấp phép là 14,06 tỷ USD. Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận trong thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2021.

Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP

Dòng vốn FDI được xem là một chỉ số quan trọng về sức khỏe của mỗi nền kinh tế. Chính vì thế, sự gia tăng vốn FDI chảy vào châu Á trong năm 2021 đã tạo ra những tín hiệu lạc quan về sự phục hồi đồng đều và bền vững của nền kinh tế khu vực, trong đó có Việt Nam, sau đại dịch.

Vào thời điểm năm 2021 sắp kết thúc, các ngân hàng và nhà đầu tư lớn nhất Phố Wall (Mỹ) lần lượt đưa ra các dự báo cho năm 2022, trong đó nhấn mạnh vào sự hồi phục của thị trường toàn cầu, đặc biệt là các thị trường châu Á. Theo các chuyên gia kinh tế và các nhà chiến lược, tại thời điểm hiện tại, sự tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chuyển hướng sang Đông Nam Á trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế dần ổn định ở Đông Bắc Á. Công ty Moody's Analytics đánh giá vào cuối năm 2022, tất cả các nền kinh tế trong khu vực, bao gồm Đông Nam Á cuối cùng sẽ đạt được sự phục hồi hoàn toàn, được đo bằng GDP thực tế vượt quá mức của quý 4-2019 trước khi Covid-19 bùng phát.

Trong báo cáo bổ sung về Triển vọng phát triển châu Á công bố giữa tháng 12-2021, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của khu vực châu Á có thể đạt mức 7% trong năm 2021. Tuy nhiên, do biến thể Omicron và nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của châu Á trong năm 2022 từ mức 5,4% xuống còn 5,3%. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hạ mức tăng trưởng của châu Á trong năm 2021 từ 7,6% (theo dự báo hồi tháng 4-2021) xuống 6,5%.

Trong số các nền kinh tế lớn tại châu Á, Nhật Bản được dự báo tích cực bởi triển vọng của thị trường chứng khoán Nhật Bản với sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ cao. Một “pháo đài tăng trưởng” khác của châu Á trong năm 2022 là Ấn Độ, khi nền kinh tế của nước này tiếp tục phục hồi sau các làn sóng Covid-19 thứ hai. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ năm 2022 có thể đạt mức 7,8%.

Về triển vọng của kinh tế Việt Nam, dù hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 xuống 2% từ mức 3,8% theo dự báo hồi tháng 9-2021, ADB vẫn giữ nguyên mức 6,5% cho năm 2022. Trong khi đó, ông Jacquest Morisset - Kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% trong năm 2022 mà Việt Nam đặt ra là hoàn toàn khả thi nếu kiểm soát tốt dịch bệnh và cải thiện cán cân cung-cầu.

Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC thì nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ dòng vốn FDI mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trong vòng 2 năm qua bắt đầu mang lại “trái ngọt”. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng và tầng lớp giàu ngày một gia tăng sẽ thúc đẩy tiêu dùng của Việt Nam. Các công trình hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục “tiếp thêm nhiên liệu” cho các hoạt động kinh tế.