Khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, vững chắc

ANTD.VN -  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, khó khăn của nền kinh tế do dịch Covid-19 gây ra chỉ là tạm thời. Nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, vững chắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định khó khăn do dịch bệnh gây ra chỉ là tạm thời

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định khó khăn do dịch bệnh gây ra chỉ là tạm thời

Sáng nay (6-12), Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 thường niên lần thứ 3 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dịch Covid-19 tàn phá nặng nề không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với cả thế giới trong gần 2 năm vừa qua.

Hiện nay, Việt Nam đã chủ động chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Sau thời gian chống dịch, Việt Nam đã có kinh nghiệm xử lý và rút ra được 3 trụ cột chính trong phòng, chống dịch là: cách ly và giải toả; xét nghiệm; điều trị phù hợp, hiệu quả.

Theo Thủ tướng, trong dịch bệnh, vai trò của công nghệ càng được khẳng định. “Ví dụ, an sinh xã hội phải làm trong 1 tuần, hay chưa bao giờ có một chiến dịch tiêm chủng đối với 100 triệu dân phải hoàn thành với kế hoạch nhanh như vậy. Phải có công nghệ"- Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời. "Nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, vững chắc. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn được tăng cường và củng cố".

Theo Thủ tướng, hiện Chính phủ đang tập trung hoàn thiện chương trình phòng chống dịch Covid-19, và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hai chương trình này đi liền với nhau, hỗ trợ và tác động lẫn nhau.

Theo ông Trần Tuấn Anh- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, từ tháng 12-2019 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đang làm thay đổi sâu sắc mọi mặt về kinh tế - xã hội thế giới. Kinh tế toàn cầu năm 2020 suy thoái sâu, GDP giảm 3,1%, thu nhập bình quân giảm 6%, việc làm năm 2021 giảm 100 triệu và dự báo năm 2022 giảm khoảng 26 triệu lao động.

Việt Nam cũng đang chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 đối với các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến cả cung và cầu trước mắt và lâu dài.

Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa ở nước ta giai đoạn vừa qua đã đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế xã hội, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, trung bình trên 6,6%/năm trong giai đoạn 2000-2019.

Về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam đứng thứ 67/142 nền kinh tế, tăng 10 bậc trong 2 năm 2018 và 2019; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam theo xếp hạng của Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO) tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên thứ 42 vào năm 2019;

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục được cải thiện qua các năm, năm 2021 đứng thứ 44/126 quốc gia.

Tuy vậy, để phục hồi kinh tế sau đại dịch và thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa trên nền tảng công nghiệp 4.0, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải xác định rõ triết lý phát triển, mô hình và chính sách công nghiệp hóa- hiện đại hóa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới của giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.