Tín dụng bất động sản có xu hướng tăng: Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù Ngân hàng Nhà nước định hướng “siết” tín dụng bất động sản nhưng dư nợ cho vay bất động sản tại các ngân hàng vẫn tăng cao hơn mặt bằng chung.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 15/3, dư nợ cho vay bất động sản ngành ngân hàng tăng khoảng 2,13% so với đầu năm. Con số này cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế là khoảng 2,04%.

Điều này cho thấy dòng tiền ngân hàng đang có xu hướng gia tăng vào lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, những năm trước tín dụng trong lĩnh vực này liên tục có xu hướng giảm và thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành.

Đơn cử như năm 2020, tăng trưởng tín dụng bất động sản chỉ đạt 9,97%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung (khoảng 12,13%).

Tín dụng bất động sản có xu hướng tăng cao hơn mặt bằng chung

Tín dụng bất động sản có xu hướng tăng cao hơn mặt bằng chung

Nói về vấn đề tín dụng bất động sản có xu hướng tăng trong bối cảnh những cơn “sốt đất” liên tục xuất hiện ở các địa phương, nguy cơ hình thành “bong bóng” bất động sản, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, cơ quan quản lý tiền tệ vẫn đang kiểm soát sát sao, chặt chẽ đối với việc cho vay bất động sản nhiều năm qua.

“Câu chuyện dịch chuyển giữa dòng vốn tiền tệ chạy sang thị trường bất động sản hay thị trường khác đều là một trong những nội dung được quán xuyến, quan tâm trong góc độ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, thường xuyên kịp thời cảnh báo cho các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu bất ổn, rủi ro” - Phó Thống đốc cho biết.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, tín dụng cho bất động sản có thể chia thành 2 nhóm. Một là tín dụng cho đối tượng kinh doanh bất động sản, đầu cơ, phân khúc bất động sản cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng và đầu tư. Đây là phân khúc có khả năng thanh khoản và hiệu quả trong tương lai không cao và là đối tượng Ngân hàng Nhà nước chủ trương kiểm soát chặt chẽ, có chế tài trực tiếp và gián tiếp.

Hai là tín dụng giúp cho thanh khoản hàng hóa bất động sản tiêu dùng như nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở giá rẻ, nhà ở có tính chất thương mại phục vụ nhu cầu tiêu dùng thì vẫn được Ngân hàng Nhà nước giao cho các ngân hàng thương mại triển khai.

“Sắp tới, trước tình hình bất động sản có dấu hiệu nóng, chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và có cảnh báo kịp thời cho các tổ chức tín dụng. Tất nhiên mức tăng 2,13% cũng không phải ở tất cả tổ chức tín dụng mà chỉ ở một vài tổ chức tín dụng có nhanh hơn so với mức bình thường”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.