Tin đồn thất thiệt, biến nông trường chè đặc sản thành rừng hoang

ANTĐ -Những tin đồn thổi thất thiệt, cùng hàng nhái đã khiến cây chè đắng ở Cao Bằng không còn "đất sống", dù vẫn phát triển xanh tươi.
Cao Bằng không chỉ nổi tiếng với cảnh rừng Việt Bắc mà còn được nhiều người biết đến cây chè đắng- một thứ trà hữu ích với sức khỏe con người. Và chính vì thế nhiều năm qua, chè đắng đã trở thành cây chủ lực góp phần xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Cao Bằng.
Thế nhưng thật buồn thay, thời gian qua “hội chứng” tin đồn vô căn cứ, uống chè đắng làm ảnh hưởng sức khỏe đã khiến sản phẩm không tiêu thụ được, và dẫn đến việc cực chẳng đã người dân phải chặt bỏ hàng nghìn héc-ta chè để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Trước đây, các doanh nghiệp của Cao Bằng sản xuất 40.000 hộp/năm vẫn không đáp ứng nổi yêu cầu của người tiêu dùng. Năm 2005, tỉnh Cao Bằng chủ trương triển khai dự án trồng chè 1000 héc-ta tại 11 huyện và thị xã trên địa bàn tỉnh.

Người dân trồng chè đắng ở Cao Bằng giờ bỏ hoang

Thế nhưng, trong khi dự án trồng chè nguyên liệu vừa mới bắt đầu triển khai thì chè từ nước ngoài mang nhãn hiệu “Chè đắng Cao Bằng” đã tràn lan khắp thị trường có giá bán chỉ bằng một nửa so với chè đắng của chè đắng Cao Bằng. Cùng với việc mập mờ thông tin mặt hàng “Chè đắng Cao Bằng” gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là đối với nam giới nên người tiêu dùng quay lưng lại sản phẩm này.
Ông Nguyễn Sinh Cung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết: “Các thông tin đồn thổi đã làm thị trường chè bị thu hẹp. Những năm đầu thu nhập tốt, nhưng kể từ có thông tin thất thiệt khiến sức tiêu thụ kém, thị trường tự nhiên bị thu hẹp, đặc biệt là hạn chế về thu nhập cho bà con. Hiện nay, vùng nguyên liệu chè đắng đang thu hẹp dần chỉ còn rải rác ở huyện Nguyên Bình, Hòa An. Do giá bán chè quá rẻ nên đa số người dân bỏ mặc thành rừng, cây chè phát triển không chăm bẵm. Các hộ ồ ạt phá bỏ cây chè chuyển đổi sang trồng sắn”.
Cây chè đắng Cao Bằng một thời là cây mang lại kinh tế cao giúp xóa đói giảm nghèo, giờ đây đã trở thành rừng chè hoang. Đây là một bài học quý báu cho cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng trong việc bảo vệ và phát triển cây kinh tế cho bà con vùng cao.